Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

ĐH-CĐ 2011: Điểm chuẩn quá thấp vì… “Điều 33”

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy nguồn tuyển nguyện vọng (NV) năm nay khá dồi dào (hơn 61.000 chỉ tiêu), nhưng ở các vùng khó khăn, nhiều trường ĐH, CĐ đã sớm phải “cầu cứu” Bộ GDĐT cho vận dụng Điều 33 trong Quy chế Tuyển sinh để dãn điểm chuẩn nhằm tuyển đủ thí sinh.
Nhiều thí sinh được “vớt”
Là một trường trọng tâm thuộc vùng núi phía Bắc, ĐH Thái Nguyên tập trung rất nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số, chính vì vậy điểm đầu vào hàng năm thường rất thấp. Năm nay, điểm trúng tuyển NV1 hầu hết các ngành đều bằng sàn. Trường đã phải làm đơn xin Bộ GDĐT cho vận dụng Điều 33 trong Quy chế Tuyển sinh để dãn điểm ưu tiên từ rất sớm.
Họp xét đặc cách cho thí sinh khuyết tật và điều chỉnh điểm sàn ở ĐH Đà Nẵng.
Giám đốc ĐH Thái Nguyên – ông Đặng Kim Vui cho biết: Nhờ có Điều 33 mà trường đã gọi thêm được 700 – 900 thí sinh trúng tuyển, trong đó có các ngành học thuộc khối nông – lâm – ngư của Trường ĐH Nông – Lâm và Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật. Những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được hưởng mức chênh lệch điểm trúng tuyển 1 điểm. Cũng theo ông Vui, năm 2010, nhờ áp dụng Điều 33, trường cũng gọi thêm được 500 thí sinh trúng tuyển, dù hơi muộn.
Tương tự, Trường ĐH An Giang cũng đã đề nghị Bộ GDĐT cho áp dụng Điều 33 từ rất sớm. Nhờ điểm trúng tuyển chênh lệch này, trường cũng đã "vớt" được rất nhiều thí sinh cho NV1 hệ ĐH với số điểm trúng tuyển từ 9,5-14 ở tất cả các khối thi.
Theo ông Võ Văn Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang: "Từ nhiều năm nay các ngành học thuộc khối nông nghiệp rất khó tuyển, nếu không được dãn điểm ưu tiên thì các ngành này có nguy cơ phải đóng cửa". Một số trường ĐH dân lập khác như ĐH Thành Tây, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng đã phải viện đến “phao cứu sinh” Điều 33, nhưng đến cuối tuần qua vẫn chưa có câu trả lời từ Bộ GDĐT.
Áp dụng quá đà
Điều 33 trong Quy chế Tuyển sinh ĐH- CĐ của Bộ GDĐT thực chất là để nới rộng điểm ưu tiên, giúp các trường ĐH – CĐ vùng, các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và những trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương có thể tuyển đủ thí sinh.
Theo đó, mức điểm trúng tuyển chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm; đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, điểm trúng tuyển chênh lệch có thể lên tới 2 điểm so với điểm sàn. Tuy nhiên, rất nhiều trường ĐH – CĐ để đảm bảo đủ chỉ tiêu, đã áp dụng Điều 33 một cách… quá đà.
Điểm trúng tuyển NV1 của Trường ĐH Tiền Giang đã khá "dễ thở" do được áp dụng Điều 33. Theo đó, những đối tượng ưu tiên nhóm 1 (ƯT1) lại thuộc khu vực 1 (KV1) có điểm trúng tuyển rất thấp, chỉ từ 8- 11,5 điểm.

Số lượng là một phần nhưng các trường cũng cần lưu tâm đến chất lượng đầu vào. Nếu một thí sinh 8 điểm cũng đỗ ĐH, 5 điểm cũng đỗ CĐ thì chất lượng đào tạo sẽ đi về đâu?

Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh (Bộ GDĐT)
Ví dụ: Điểm trúng tuyển ngành Giáo dục tiểu học (khối A), đối tượng ƯT1 thuộc KV1 là 9,5 điểm; ngành Kế toán, ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ xây dựng, Công nghệ thông tin đều lấy mức 8 điểm. Ở trình độ CĐ, điểm trúng tuyển cao nhất là 11 và thấp nhất là 5 điểm cho nhóm đối tượng ưu tiên này. Như vậy, nếu áp dụng quy chế này thì tại Trường ĐH Tiền Giang, thí sinh được 8 điểm cũng có thể đỗ ĐH và được 5 điểm cũng đỗ CĐ vì được… ưu tiên.
Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang mặc dù thông báo đang chờ quyết định của Bộ GDĐT để áp dụng Điều 33 giảm điểm trúng tuyển giữa các khu vực, nhưng điểm xét tuyển NV2 đã được ấn định. Theo đó, thí sinh chỉ cần đạt 7 điểm là trúng tuyển khối A; nếu thuộc đối tượng ưu tiên thì chỉ cần 5 điểm. Trường CĐ Kinh tế Lâm Đồng cũng đang đề nghị với Bộ GDĐT được xét tuyển theo mức điểm này.
 

Theo Tùng Anh
(Dân Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)