Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lập lờ tuyển sinh nguyện vọng 2

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa công bố toàn cảnh nguyện vọng 2 (NV2) của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước gồm: chỉ tiêu, thông tin ngành học, điểm xét tuyển. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều trường  "tốp trên" đang chuẩn bị cho sinh viên mới nhập học hoặc điểm NV2 vẫn ở mức từ 16 điểm trở lên thì các trường "tốp dưới", nhất là trường ngoài công lập đang chạy đua tuyển sinh với không ít những cách "kỳ lạ".
Lắm chiêu, nhiều kiểu
Theo công bố toàn cảnh tuyển sinh NV2 của Bộ GD và ÐT thì cả nước có hơn 180 nghìn chỉ tiêu xét tuyển vào 273 trường đại học, cao đẳng. Các trường ngoài công lập, các trường đại học vùng và các trường cao đẳng đều có lượng chỉ tiêu NV2 rất lớn và cũng có nhiều cách thức tuyển sinh khác nhau. Tại Trường đại học Quốc tế Bắc Hà, tiếng là "quốc tế" nhưng, Ban giám hiệu phải "mạnh dạn quyết định điểm trúng tuyển NV2 vào hệ đại học và cao đẳng chính quy của trường ứng với điểm sàn đại học, cao đẳng". Ðể hấp dẫn sinh viên, trường còn quyết định thưởng hai triệu đồng đối với các thí sinh có điểm xét tuyển từ 20 điểm trở lên, một triệu đồng đối với các thí sinh có điểm xét tuyển từ 15 đến 19,5 điểm…
Ðáng chú ý, để tạo sức hút cho mình, trên trang thông tin điện tử của các trường đều đăng tải thông báo dạng "lập lờ", không rõ ràng. Tại thông báo của Trường đại học Thành Tây (Hà Nội) chỉ ghi "Trường đã có công văn đề nghị Bộ GD và ÐT cho phép được áp dụng điều 33 trong "Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ chính quy": Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá một điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao". Còn Trường đại học Phú Xuân – Huế thì "hấp dẫn" hơn khi thông báo: Thí sinh được cộng thêm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng vào điểm thi để đăng ký xét tuyển. Ðiểm ưu tiên khu vực: Thí sinh ở khu vực hai được cộng thêm một điểm, khu vực hai nông thôn được cộng thêm hai điểm, khu vực một được cộng thêm ba điểm. Tuy nhiên, cả hai trường Ðại học Thành Tây và Ðại học Phú Xuân cũng chỉ lập lờ "đã báo cáo xin ý kiến Bộ". Với kiểu thông báo như vậy, thí sinh không thể biết liệu Bộ GD và ÐT đã đồng ý cho các trường này được giãn cách điểm tuyển sinh theo điều 33 của quy chế hay chưa để xác định có nên nộp hồ sơ hay không. Hay theo như các trường này cứ báo cáo xin ý kiến Bộ GD và ÐT là được "vô tư" giãn cách điểm ưu tiên mà không cần được đồng ý ?.
Thậm chí Trường đại học  Ðông Á còn thông báo "Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm kèm phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển sẽ được hạ 0,5 điểm so với điểm chuẩn xét tuyển của trường". Không biết việc điểm ưu tiên hạ điểm đó dựa vào quy chế nào. Chỉ đến khi được nhiều tờ báo "hỏi thăm" về thông báo kỳ lạ này trên trang thông tin điện tử thì trường mới vội vàng gỡ xuống…
Siết chặt quy chế
Theo PGS, TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ÐT): Trường đại học, cao đẳng nào đã thông báo được áp dụng giãn cách điểm ưu tiên để tuyển sinh là phải có văn bản đồng ý của Bộ GD và ÐT. Nếu không có văn bản của Bộ thì không được thông báo. Trường nào đề nghị đúng quy định của quy chế thì Bộ GD và ÐT đã đồng ý như các trường đại học: Tây Bắc, Tây Nguyên, An Giang, Hùng Vương (Phú Thọ) đối với ngành nông, lâm ngư… Những trường được áp dụng việc giãn cách điểm ưu tiên theo quy định phải thông báo công khai công văn của bộ kèm theo thông báo tuyển sinh của trường. Ðối với  việc tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng, Bộ GD và ÐT cũng đã giao nhiệm vụ tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng cho một số trường. Các đối tượng được tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng phải dự thi theo kỳ thi ba chung, vùng tuyển phải là thí sinh ở vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; điểm trúng tuyển phải xác định theo đúng điểm C khoản 1 điều 33 của Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành; các địa phương phải có văn bản hợp đồng với các cơ sở đào tạo… Do đó, các trường cũng cần công khai việc được tuyển sinh này; thí sinh cần lưu ý, tránh tình trạng doanh nghiệp có đăng thông báo tuyển sinh theo địa chỉ là không đúng.
Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường cần tập trung tìm các giải pháp cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín. Không quảng bá về áp dụng các biện pháp thu hút thí sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức, thiếu lành mạnh, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ tổ chức thanh tra công tác xét tuyển của các trường. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định hiện hành.
Với  khoảng hơn 415 nghìn thí sinh đạt điểm sàn trở lên, lớn hơn rất nhiều so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Vấn đề đặt ra chính là năng lực thu hút thí sinh của các trường. Nếu không đủ uy tín thì khó thu hút được người học dù các trường có tung các "chiêu" tuyển sinh khác nhau. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần tăng cường thanh tra và sớm công bố công khai các trường bất chấp quy chế, "xé rào" tuyển sinh để xử lý mạnh hơn nữa, nhất là những trường nhiều năm liền không tuyển được thí sinh hoặc tuyển được quá ít thí sinh, nhằm bảo đảm mục tiêu chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, chính các trường đại học cần tạo dựng thương hiệu về chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh thay vì năm học nào cũng chạy đôn, chạy đáo mà vẫn chỉ tuyển được một số ít thí sinh.
Theo XUÂN KỲ
(NDDT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)