Anh Thịnh đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình |
Nền kinh tế suy thoái đã làm cho nhiều gia đình lao động có thu nhập thấp vốn khó khăn nay càng vất vả trăm bề.
Tất bật mưu sinh
Gia đình chị Lan ở khu nhà trọ nằm sâu trong con hẻm thuộc phường Linh Trung (Thủ Đức). Trước đây, căn phòng trọ chật chội của chị luôn đầy ắp tiếng cười. Dù hai vợ chồng tất bật suốt cả ngày với công việc ở nhà máy, nhưng khi về đến nhà, nhìn thằng con trai bi bô tập nói, lòng anh chị trào dâng niềm vui, quên hết mệt nhọc. Thế nhưng mọi chuyện bỗng dưng thay đổi đột ngột khi cuối năm ngoái anh Hùng bị mất việc. Nay chị cũng lâm vào cảnh tương tự, tất cả đều do công ty không có đơn hàng, không bố trí được việc làm cho người lao động.
Cầm trong tay tháng lương cuối, vợ chồng nhìn nhau mà không cầm được nước mắt. Sau một tuần chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm mới, không có kết quả anh quyết định chuyển sang chạy xe ôm. Với chiếc xe máy cà tàng, anh chạy từ ngã tư Bình Thái sang Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức). Còn chị thì đi xin giúp việc nhà ở quận 2, nhưng do không quen việc nên sau mấy ngày thử việc thì bị chủ nhà từ chối. Nghĩ nát cả óc, cuối cùng chị cố gắng vay mượn được ít tiền làm vốn bán trái cây trước cổng chợ Phước Long, tối thì bán hột vịt lộn ở vỉa hè.
Cùng chung hoàn cảnh, nhưng gia đình anh Thịnh (quận 9) còn khó khăn hơn. Từ khi cả hai anh chị bị mất việc, đứa con gái đầu mới học lớp lá cũng không còn đến trường, phải gửi chị hàng xóm trông hộ. Chị đi rửa bát cho các tiệm cơm bụi. Anh Thịnh thì sau mấy ngày chạy xe ôm, tiền không đủ sửa xe còn bị “đồng nghiệp” phang cho tội “giành mối” và phải nằm viện điều trị. Hiện nay, trong hàng ngàn công nhân bị mất việc, có rất nhiều người là trụ cột của gia đình. Sự bức bách cơm áo gạo tiền đã khiến họ phải dồn “toàn tâm toàn ý” với những công việc tạm bợ, thu nhập thấp.
Hạnh phúc không tròn trịa
“Suốt ngày suốt đêm, trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc mưu sinh. Làm sao ngày hôm nay có được ít tiền để ngày mai mua ít rau, ít cá cho gia đình, đâu còn thời gian mà nghĩ đến chuyện vợ chồng”. Anh Thịnh tâm sự. Mỗi ngày, mở mắt ra là anh lại đi làm, suốt từ tờ mờ sáng đến nửa đêm mới về nhà. Ngày nào cũng mệt rũ, về đến nhà ăn vội chén cơm là thiếp đi. “Vợ lo việc của vợ, chồng mải việc của chồng, chỉ một thời gian ngắn đã thấy “là lạ” khi đặt lưng xuống bên vợ. Mà cũng phải thôi, vợ chồng chỉ nhìn thấy nhau lúc… ngủ, cả tuần không nói với nhau một tiếng thì không “lạ” sao được!”.
Tất bật mưu sinh, không chỉ “lửa lòng” nguội lạnh mà nhiều mối xung đột gia đình cũng luôn rình rập. Vợ chồng anh Quang, chị Thoa trước đây cùng làm chung ở một công ty, cuộc sống khá hạnh phúc. Hàng xóm ở dãy trọ nơi họ sinh sống cho biết chưa bao giờ thấy hai anh chị to tiếng với nhau. Thế nhưng, sau khi cả hai người mất việc, cuộc sống trở nên khó khăn, túng quẫn. Chị ở nhà trông con nhỏ, một mình anh bươn chải kiếm sống nuôi hai mẹ con, nhưng không phải ngày nào cũng có tiền mang về. Một lần, chị buột miệng hỏi chồng chuyện tiền nong. Lúc trong người đang mệt, anh nổi nóng và anh chị to tiếng với nhau, định ra tòa mấy lần. Anh tâm sự: “Nhiều lúc tôi đã làm hết sức, phải làm cả việc nặng mới có tiền mang về, thế mà vợ không biết thông cảm,…”. Còn chị thì giãi bày: “Cũng vì thấy xót con quá…”. Có thể anh chị sẽ suy nghĩ lại để không phải xảy ra cãi vã nữa. Thế nhưng cuộc sống của họ từ nay sẽ nặng nề biết bao, không còn được êm ấm như xưa. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên bao gia đình. Gánh nặng ấy ngày càng lớn dần khi thời gian thất nghiệp càng kéo dài, từng ngày, từng giờ làm “biến dạng” tình cảm gia đình, khiến cho các mối quan hệ vốn bền chặt trở nên mong manh, lỏng lẻo, đó cũng là nguồn cơn của mọi đổ vỡ.
Thái Khuê
Bình luận (0)