Những thay đổi của ngành giáo dục luôn làm xã hội quan tâm, có tầm ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhiều thành phần trong xã hội. Năm 2008 là năm có nhiều biến động trong ngành giáo dục, Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu cùng độc giả những sự kiện giáo dục được quan tâm nhất trong một năm vừa qua.
1. Công bố dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam. Bản dự thảo chiến lược được giao cho Viện Khoa học Giáo dục chủ trì biên soạn từ tháng 7-2007, đã qua 13 lần chỉnh sửa, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia về giáo dục, hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học, giám đốc các sở giáo dục – đào tạo trong cả nước và các nhà giáo lão thành, nhà khoa học. Ba mục tiêu lớn mà chiến lược giáo dục hướng tới là: xây dựng một nền giáo dục hiện đại, khoa học, dân tộc, con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có kiến thức và kỹ năng và là nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước.
2. Công bố báo cáo khảo sát kết quả học tập của học sinh tiểu học: Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố báo cáo này nhưng năm 2008 báo cáo khảo sát đối với kết quả học tập môn toán và tiếng Việt của học sinh lớp 5 có nhiều bất ngờ như: “tốc độ” tiến bộ của học sinh vùng nông thôn nhanh hơn khu vực thành thị. Có thể kết quả này chưa nói được hết nhưng nó cũng đã cho thấy một cái nhìn khái quát và khá toàn diện về chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học Việt Nam nói riêng và các bậc khác nói chung.
3. Rà soát lại chương trình sách giáo khoa: Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về chương trình sách giáo khoa vào 5-2008 sau hơn 1 tháng lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Đầu năm học 2008-2009, Bộ công bố đính chính sách giáo khoa lần đầu tiên sẽ được in thành 3 tập riêng.
4. Đạo đức học đường xuống cấp. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, tỷ lệ học sinh nói dối cha mẹ: tiểu học 22%, THCS 50%, THPT 64%; tỷ lệ không chấp hành ATGT: tiểu học 4%, THCS 35% và THPT 70%… Những con số này cho thấy, càng lớn, ý thức, đạo đức của học sinh càng đi xuống. Một con số khác cũng rất đáng suy nghĩ là có tới 51,4% sinh viên cho rằng sống thử trước hôn nhân là hiện tượng bình thường.
Tính trung bình mỗi năm, trên cả nước có tới 4.746 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Tệ nạn ma túy trong học đường cũng đã đến mức đáng báo động. Nếu năm 2004 có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy thì đến năm 2007 đã có 1.234 học sinh, sinh viên nghiện ma túy.
5. Việt Nam tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế: Sau nhiều năm tham gia, năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà của Olympic Vật lý quốc tế. Và đây cũng là lần đầu tiên các “tuyển thủ” của Việt Nam dành được giải cao như vậy, với 4 huy chương vàng, và 1 huy chương đồng.
6. Lùi thời gian tổ chức kì thi quốc gia tới năm 2010: Theo lộ trình và chủ trương của Bộ GD-ĐT, mùa thi năm 2008 sẽ là năm bản lề, tập dượt nghiêm túc để tiến tới một kỳ thi quốc gia vào năm 2009. Tuy nhiên, ngay trong kì tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, bộ đã thông báo lùi 1 kì thi quốc gia tới năm 2010.
7. Năm cuối cùng tổ chức kì thi tốt nghiệp lần 2: Kì thi này bắt nguồn từ cuộc vận động “hai không”: “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây là cơ hội cuối cùng cho những thí sinh lỡ trượt tốt nghiệp lần 1 sẽ cố gắng để có tấm bằng tốt nghiệp. Từ năm 2009 sẽ không còn kì thi này, thay vào đó thí sinh chưa tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình lớp 12.
8. Lần đầu tiên các sở giáo dục tự quyết định thời gian học. Không chỉ đổi mới về cách phân phối chương trình, năm nay, Bộ GD-ĐT đã giao cho giám đốc sở GD-ĐT, căn cứ vào quy định về kế hoạch thời gian năm học mà Bộ hướng dẫn để áp dụng cho địa phương. Ngày khai giảng vẫn được ấn định là ngày 5-9, nhưng ngày tựu trường đã được linh động sớm nhất vào ngày 1-8 và muộn nhất vào ngày 28-8. Kỳ nghỉ Tết âm lịch cũng được kéo dài hơn (ít nhất là 7 ngày).
9. Các trường đại học thực hiện 3 công khai: Đầu năm học 2008 – 2009, Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu các trường đại học phải thực hiện 3 công khai: Công khai tài chính, công khai chất lượng và công khai nguồn lực.
10. Tỷ lệ học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia giảm mạnh so với năm 2007. Năm 2008, cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 38 giải nhất, nhưng riêng môn toán và môn văn đều không có giải nhất nào, trong khi phần lớn các môn khác đều có hàng trăm giải. So với năm 2007, số thí sinh đoạt giải thấp hơn, tỷ lệ thí sinh đoạt giải trên tổng số thí sinh dự thi cũng thấp hơn (năm ngoái có 1.635 học sinh giỏi quốc gia đạt tỷ lệ 44,08%).
Theo dangcongsan.vn
Bình luận (0)