Bác Hồ nói chuyện cùng các em thiếu nhi |
Ngày tôi mới vào học cấp I (tiểu học). Thấy tôi khó khăn lắm vẫn chưa dùng chân điều khiển được chiếc kéo, các thầy liền miễn môn thủ công cắt chữ cho tôi. Hôm đó, sắp đến ngày 19-5. Thầy ra bài thủ công về nhà cắt câu khẩu hiệu: HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM. Tự dưng tôi thấy háo hức, liền hăm hở thực hiện. Dùng một chân không xuôi, chuyển cầm kéo bằng hai chân. Oái oăm thay, không còn chân thứ ba cầm giấy nên không lượn thành chữ được. Tôi nằm khóc. Lại nghĩ cách chỉ cầm một mắt kéo bằng chân phải. Mắt kéo kia để tựa xuống giường. Chân trái cầm giấy. Giấy lại không đứt. Tôi lại khóc. Nhìn tấm ảnh Bác trên tường, tôi như thấy Bác đang mỉm cười âu yếm: “Hãy gắng lên cháu ơi! Không có việc gì khó đâu, chỉ sợ lòng không bền thôi!”. Bỗng, tôi nghĩ ra cách uốn hơi cong hai lưỡi kéo cho sát nhau. Giấy đứt, nhưng đường cắt không mịn, vì luôn phải dùng chân trái mở kéo sau mỗi lần cắt. Không bằng lòng. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách bẻ thẳng kéo trở lại và dùng gót trái điều khiển mắt kéo. Với cách này, sau rất nhiều lần cắt, sửa công phu bài thủ công ấy đã được thầy cho điểm 10. Tôi sung sướng mang về nhờ bố dán ngay dưới ảnh Bác giữa tường nhà đúng ngày mừng sinh nhật Bác lần thứ 67. Mỗi lần đi học về đến cửa, tôi như thấy Bác đang mỉm cười: “Cháu hãy cố gắng nhiều hơn nữa!”.
Giấc mơ hạnh phúc
Một chiều mùa xuân năm 1962, khi tôi đang học lớp 6 thì thầy hiệu trưởng đến nhà báo tin tôi được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Nghe lời thầy dặn, tối hôm đó trong tâm trạng trào dâng mừng vui, xúc động tôi miệt mài ngồi viết thư gửi Bác. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi được Bác ôm vào lòng, âu yếm xoa khắp người. Khi sờ đến hai cánh tay mềm oặt của tôi tự dưng Bác chau mày, khẽ lắc đầu, mắt chớp chớp. Rồi Bác chăm chú đọc bức thư viết dở của tôi và cười hiền hậu: “Cháu viết bằng chân chắc là khó. Cháu nên viết ngắn cho đỡ vất vả!”. Xúc động nhất là tôi được Bác gắn vào ngực một chiếc huy hiệu rực rỡ sắc vàng. Bác còn tặng một chiếc bút không cần bơm mực để viết cho tiện và một chiếc muỗng xúc cơm. (Chiếc muỗng tôi xúc cơm hàng ngày vừa gãy hôm trước do tôi dùng làm dụng cụ xây mô hình núi). Biết tôi không cầm tay được, Bác nhẹ nhàng bỏ vào túi áo cho tôi. Trong vòng tay âu yếm của Bác, tôi nghẹn ngào xúc động không sao nói nên lời. Nước mắt cứ thế tự dưng ứa trào không dứt. Tôi giật mình tỉnh giấc thấy đang nằm gọn trong vòng tay bố. Nước mắt bố từ lúc nào đã trào sang má tôi ướt lạnh. Có lẽ bố quá mừng khi đi làm xa về khuya, nghe tin tôi được Bác Hồ thưởng huy hiệu.
Tôi đã được gặp Bác, nếu như…
Kỳ thi học sinh giỏi toán lớp 7 (lớp 9) toàn miền Bắc năm 1963 tôi đạt giải 5. Lần thứ 2 tôi vinh dự được nhận huy hiệu của Bác. Hè năm đó tôi được là 1 trong 5 thiếu nhi tiêu biểu toàn miền Bắc về Hà Nội dự Đại hội Thanh niên xung phong vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Chúng tôi được bố trí ngồi ở hàng ghế đầu và được chụp ảnh chung với bác Lê Duẩn. Buổi chiều ngày thứ hai của đại hội chúng tôi lên xe với niềm vui náo nức được đến gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (theo như kế hoạch chị Giao thông báo từ trước). Xe đi khá nhanh mà chúng tôi vẫn cảm thấy sao chậm vậy. Cảnh phố xá tấp nập hai bên đường với bao điều hấp dẫn lạ lẫm dường như với chúng tôi lúc này chẳng ai còn để tâm tới. Tất cả chỉ ngóng trông sao cho nhanh để được đến với Bác. Đây rồi, Phủ Chủ tịch đây rồi. Cả 5 đứa, đứa nào cũng nhao nhao đứng dậy ngó qua cửa xe. Xe dừng bánh. Chúng tôi muốn ào ngay xuống để chạy vô. Chị Giao phụ trách xuống xe và ra lệnh chúng tôi phải ngồi lại chờ. Vừa lúc đó, một người từ trong nhà bước ra với mái tóc bạc phơ, bộ áo nâu non và đi dép cao su bước tới bắt tay chị Giao. Tất cả đều reo lớn từ trong xe: “A, Bác Hồ! Bác Hồ”. Bỗng có tiếng của ai đó: “Ồ, sao Bác Hồ lại không có râu vậy?”. Cả 5 đứa lại ngớ ra. Không khí trầm lặng hẳn xuống. Vừa lúc chị Giao quay lại: “Các em ơi, thật buồn quá! Vì lý do đặc biệt, chiều nay Bác không gặp các em được rồi. Người vừa gặp chị nói điều đó chính là bác Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác chứ không phải Bác đâu”. Cả 5 đứa, đứa nào cũng xịu mặt chưng hửng, nước mắt cứ thế ứa trào suốt trên quãng đường về. Chị Giao phải động viên: “Thôi các em về cứ cố gắng học cho thật giỏi, tu dưỡng cho thật tốt, thực hiện xuất sắc 5 điều Bác dạy là coi như đã được gặp Bác rồi đấy!”
Nguyễn Ngọc Ký
(Nhà giáo ưu tú, nhà thơ VN đầu tiên viết bằng chân)
Bình luận (0)