Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường vào mùa “săn” thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Thời điểm sau Tết, các trường bắt đầu tổ chức hàng loạt chuyến đi liên tỉnh để tìm kiếm thí sinh (TS). Thậm chí năm nay, nhiều đơn vị đã tranh thủ khởi động công tác này từ những tháng trước Tết.
“Lùng” TS tỉnh xa
Không chỉ dừng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, hiện nay, các trường đã chủ động và “chịu khó” đến với học sinh rất nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tư vấn tuyển sinh. Có thể thấy, công tác tư vấn tuyển sinh liên tỉnh năm nay được các trường chuẩn bị khá công phu. ThS. Huỳnh Tổ Hạp (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, ngay trong tuần đầu tiên sau Tết Tân Mão, trường đã chính thức “đưa quân” đi tư vấn tuyển sinh, bắt đầu tại quận 7. Năm nay, lực lượng cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh của trường chia thành 5 đoàn (tăng 1 đoàn so với mùa tuyển sinh trước), sẽ đến với học sinh tại 75 điểm thuộc các tỉnh Cà Mau, Ninh Thuận, Phan Thiết, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Yên… Từ 20-2 trở đi, trường sẽ vào cao điểm với những chuyến đi liên tục đến nhiều tỉnh. Thực tế, nhiều trường đã bắt đầu đợt tư vấn tuyển sinh rất sớm, từ trước cả Tết. TS. Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) thống kê, từ ngày 9-1, trường đã thực hiện tư vấn tuyển sinh tại 5 tỉnh Phú Yên, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đăk Nông và “hành trình” tư vấn sẽ kết thúc vào tháng 3 tới sau khi xuyên hết 15 tỉnh thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Năm nay, không chỉ riêng những cán bộ chuyên trách thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh, một số khoa của trường cũng đã chủ động “xắn tay” vào việc tìm kiếm nguồn sinh viên cho chính khoa mình.
Bên cạnh việc tự thân tổ chức các chuyến tư vấn tuyển sinh xa, các trường còn phối hợp với nhiều báo đài, đơn vị khác để thực hiện công tác này. Khởi động từ tận cuối tháng 12 năm 2010, trước Tết, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cùng một số báo đã đi tư vấn tuyển sinh cho học sinh 15 tỉnh. Khoảng hơn 15 tỉnh khác cũng sẽ được trường thực hiện tiếp cho đến cuối tháng 3 này.
“Mưa dầm thấm đất”
ThS. Huỳnh Tổ Hạp đánh giá, hiệu quả của công tác tư vấn tuyển sinh, nhất là thực hiện với TS tỉnh xa là phải cần đến thời gian lâu dài, không thể thấy liền trong ngày một ngày hai nhưng chắc chắn hoạt động này là có ích đối với người học, giúp các em định hướng được nghề nghiệp. Cũng theo nhận định của đại diện nhiều trường ĐH-CĐ, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các trường phổ thông hiện nay, nhất là các vùng sâu xa có được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một số giáo viên còn “cảm tính”, thiếu kiến thức về ngành nghề để thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Vì vậy, không chỉ đi đến tận các trường phổ thông, gần đây, nhiều trường ĐH-CĐ đã chú trọng “kéo” các thầy cô, cán bộ quản lý các trường phổ thông về để thực hiện việc cung cấp thông tin tuyển sinh “tại chỗ”, giới thiệu ngành nghề và xem đây như là hướng cải thiện chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, nét mới của “Ngày mở” được tổ chức tại trường năm nay là đã mời về và giới thiệu thông tin chi tiết về ngành nghề cho giáo viên hơn 100 trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM lẫn các tỉnh. Đây cũng là cách làm của Trường CĐ Nguyễn Tất Thành những năm gần đây và đã tạo được sự hưởng ứng đáng kể từ các trường phổ thông.
Sau nhiều mùa tuyển sinh, vấn đề chất lượng của công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngày càng được các trường chú trọng, quan tâm. Bởi thông tin mà các trường cung cấp có thực sự giúp ích được gì cho TS trong việc định hướng nghề nghiệp mới quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là việc tổ chức đi tư vấn hướng nghiệp rầm rộ, tốn kém nhất là trong điều kiện phương tiện tiếp cận thông tin khá phổ biến và dễ dàng như hiện nay.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)