Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dân số đạt mốc 90 triệu – mừng hay nên lo?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-11-2013, dân số Việt Nam đã đạt mốc 90 triệu người. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ xếp thứ 3 về quy mô dân số và trên thế giới chúng ta xếp thứ 14. Mật độ dân số đạt 271 người/km2, nằm trong tốp quốc gia có mật độ dày của thế giới.
Dân số tăng cao, sức ép dân số càng lớn. Nhiều vấn đề xã hội nảy sinh cần quan tâm. Nhất là giáo dục, y tế, môi trường, giao thông… Nhìn thực trạng của đất nước, không khỏi lo ngại cho chất lượng sống của thế hệ trẻ sau này.
Về giáo dục, cứ vào đầu năm học là xảy ra chuyện xô đẩy, chen lấn, thậm chí giẫm đạp lên nhau để tìm một chỗ cho con đi học. Chất lượng giáo dục ở nước ta quá thấp so với thế giới, trọng thành tích hơn giáo dục tri thức và nhân cách. Không sai khi nhiều người khẳng định giáo dục nước ta có tiếng mà không có miếng. Thật khó đánh giá là nền giáo dục tốt khi mà đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nước ta đông nhất khu vực, nhưng số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế thì quá ít. Không có trường ĐH nào của nước ta nằm trong “top 500” trường ĐH tốt nhất thế giới. Bởi vậy, việc chảy máu chất xám là không thể cản được. Gia đình có điều kiện, đưa con cái ra nước ngoài học, rồi định cư luôn ở nước ngoài. Cần lắm một cái nhìn thực sự cầu thị để cải thiện chất lượng giáo dục trong khi sức ép dân số ngày càng cao.
Về y tế, không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của y học và hệ thống khám chữa bệnh hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển ấy còn quá chậm so với những sức ép từ dân số đưa lại. Chúng ta chỉ đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/vạn dân. Bác sĩ giỏi tập trung ở các thành phố lớn, không chịu về tuyến huyện chứ đừng nói đến trạm y tế cấp xã. Tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM, chúng ta thấy cảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nằm xếp lớp từ trên giường bệnh đến gầm giường, hành lang, cầu thang bệnh viện. Đó là chưa nói đến hàng loạt vụ việc liên quan đến y đức, đến chuyên môn vừa xảy ra như vụ tiêm phòng vaccine làm 3 trẻ chết ở Quảng Trị, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, mới đây là vụ phẫu thuật thẩm mỹ làm chết khách hàng và đem vứt xác xuống sông Hồng. Đã đến lúc ngành y tế phải nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đề ra những biện pháp kịp thời đối phó với sức ép từ dân số và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của toàn dân.
Về giao thông, số lượng xe máy của nước ta nhiều nhất thế giới nhờ ưu điểm về kinh tế, di chuyển cơ động, tiện lợi. Tuy nhiên, kèm theo đó là tai nạn giao thông đáng báo động. Thật khó tin khi hàng ngày, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta cao hơn cả số người chết trong chiến tranh. 9 tháng đầu năm 2013, có 21.800 vụ tai nạn xảy ra, làm chết 7.040 người, bị thương 21.780 người, một con số quá kinh khủng! Dân số càng đông, sức ép lên giao thông càng lớn, nhất là giao thông đường bộ. Ở Hà Nội và TP.HCM, kẹt xe là một thực trạng chưa có lời giải.
Bên cạnh đó, dân số phát triển cũng gây sức ép lên nhiều lĩnh vực khác. Nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Nguồn nước khô cạn và ô nhiễm. Ở khu dân cư thì tiếng ồn chát chúa, không khí độc hại. Thực phẩm bày bán ngoài chợ thì thiếu an toàn vệ sinh. Tệ nạn xã hội ngày càng khó kiểm soát hơn. Dân số nước ta đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên thời kỳ này sẽ qua đi trong 30 năm nữa. Thay vào đó là cơ cấu dân số già, gánh nặng an sinh xã hội càng nặng. Vậy chúng ta phải làm gì lúc này? Đó là câu hỏi mà toàn xã hội phải tìm câu trả lời thỏa đáng càng nhanh càng tốt.
Thân Nguyễn Luận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)