Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vật vã “chạy” trường

Tạp Chí Giáo Dục

 

Cứ từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, chạy trường lại trở thành vấn đề "nóng rẫy" với phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1! "Vật vã" thật, nhưng để con được học, phát triển tốt, thì khe hở nào phụ huynh cũng có thể lách qua…
Đón em vào lớp 1. Ảnh: Bích Ngọc
Đủ “nước” chạy trường
Gia đình chị Bình hiện đang sinh sống tại quận 8 (TP.HCM), tuy nhiên, chị Bình đang tính sẽ cho con vào học lớp 1 ở quận 1.
Là trường hợp trái tuyến, lại nghe nói, Sở Giáo dục sẽ làm “gắt”, chị Bình đang cùng chồng tìm mua nhà ngay tại nơi đất đai đắt đỏ bậc nhất này!
“Năm sau bé vào lớp 1 rồi, tụi tui phải mua trước năm nay cho kịp nhập hộ khẩu nữa. Chuẩn bị từ đây tới đó là vừa” – chị nói.
Còn chị Tâm (nhà ở quận Bình Thạnh) có hộ khẩu ở quận 3, một trong những quận có nhiều trường nổi tiếng về thành tích dạy và học của thành phố, nhưng chị vẫn phải căng thẳng "chạy trường" cho con.
Chị giải thích: vì trường được đặc cách vào học không phải là trường "sao”, lại vừa bé, vừa cũ, nằm cạnh khu vực ga xe lửa, nghe đồn vào mùa mưa, học trò đi học còn phải lội nước.
“Hơn nữa, trường đó giáp với quận 10, cách nhà 7- 8km, cứ nghĩ đến cảnh vượt qua hàng rừng lô cốt đưa con đi học 5 năm trời là tôi hãi hùng!” – chị Tâm nói.
Sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu, chị đặt mục tiêu “chạy” trước tiên là vào 2 trường quận
1 (giáp Bình Thạnh) và 1 trường quận 3 (gần chợ Tân Định). Chị Tâm cho biết, đã phải lục tung hết quan hệ họ hàng, bạn bè, cũng như tìm kiếm mối quan hệ khác để gửi gắm con mình.
Còn chị Cúc (quận Tân Phú) khi biết người hàng xóm đã “xin” cho con vào được Trường Tiểu học Đông Đa (quận Tân Bình), cũng cố nhờ chị này xin giùm cho con mình vào mà đến giờ vẫn không được. “Trường đó khó vào lắm. Nghe nói mất gần 8 triệu mà chưa chắc xin được” – chị tiết lộ.
Cứ theo lời phụ huynh "đồn" với nhau thì cũng có thể nhờ vào mối quan hệ trực tiếp với ban giám hiệu (BGH) để "chạy" cho con. Tuy nhiên, sẽ không chắc chắn nếu không có quan hệ ruột rà máu mủ với BGH (!). Hay “chạy” hộ khẩu thông qua dịch vụ của các “cò” cũng là một cách.
Ngoài ra, mọi năm, lo cho các bé thi đậu vào lớp tăng cường tiếng Anh (TCTA) lớp 1 cũng là một cách khá đơn giản để con được học trái tuyến. Tuy nhiên, kể từ năm học 2008 – 2009, cách thức để thi vào lớp 1 TCTA cũng thay đổi: không thi đầu vào như các năm trước, mà các trường có TCTA vẫn tuyển học sinh theo tuyến được phân công, sau đó mới tổ chức khảo sát trong số HS đã thu nhận vào trường.
Vì vậy, có không ít phụ huynh chạy hồ sơ để cho con mình được vào thi.
Mặt khác, dù có điều kiện để "chạy", nhưng phụ huynh cũng "rỉ tai" nhau kinh nghiệm: tìm người “giúp đỡ” có năng lực chắc chắn và đừng để người ta lợi dụng lấy tiền của mình quá nhiều. “Vì hơn 90% các trường hợp thành công thông qua môi giới thì tiền cũng chẳng hề vào túi BGH” – chị Tâm đúc kết từ kinh nghiệm của mình.
"Chạy" trường và cái "lý" của phụ huynh
Ở TP.HCM, quận 1 và 3 được xem là hai điểm tập trung nhiều trường nổi tiếng về thành tích học và dạy nhất. Ở quận 1, có thể kể đến các trường tiểu học như: Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; quận 3 có các trường: Nguyễn Thái Sơn, Lương Định Của, Kỳ Đồng, Trần Quốc Thảo…
Không chỉ các ông bố, bà mẹ ở ngay quận 1, quận 3 nhưng khác phường với những ngôi trường này, mà các phụ huynh nhà ở quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp… ngày ngày đi làm ở trung tâm Q.1, Q.3 cũng đều "mơ" con mình sẽ được học ở đây.
Khi được hỏi, nhiều phụ huynh cho rằng: quan tâm nhất vẫn là chương trình dạy học, chất lượng dạy học, các môn ngoại khóa phát huy khả năng tư duy của trẻ… khi chọn trường cho con vào lớp 1.
“Tùy vào điều kiện kinh tế, thời gian của gia đình, sức khỏe, khả năng được nhận” mà chọn trường cũng là suy nghĩ của nhiều phụ huynh.
Theo lời chị Tâm, cách đây 6 năm, con trai  lớn của chị may mắn được vào học ở một ngôi trường hàng đầu quận 1. Con chị lại may mắn được học với giáo viên dạy giỏi cấp thành phố nên: “Con tôi dù thông minh, nhưng vốn là đứa trẻ hiếu động và bản chất có khó khăn về diễn đạt, đã biến đổi thành một đứa bé điềm tĩnh, chăm chỉ và biết nghe lời một cách kỳ lạ đến không ngờ!” – chị nói.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, “cứ nghĩ đến cảnh con mình được học trong trường khang trang, rộng rãi, sân trường nhiều cây xanh, thầy cô ân cần, kinh nghiệm…”, thì “chạy trường” cũng đáng!
Thực tế, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều hình thức cứng rắn ngăn nạn chạy trường, kêu gọi ý thức phụ huynh. Nhưng nhiều phụ huynh cũng có cái lý của họ: vì ngành giáo dục cũng không công bằng khi đầu tư cho các trường trong cùng quận, hay giữa quận này với quận khác trong cùng thành phố, mà ai cũng muốn con mình được học ở nơi có chất lượng tốt.
“Dù ai có nói là “tệ nạn” gì cũng mặc, mình “chạy” để xin cho con đi học, chứ có phải “chạy” để xin đi ăn cướp đâu mà sợ?!” – một phụ huynh nói.
Còn anh Duy Hùng, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non  tư thục Hải Yến khẳng định: “quan trọng nhất vẫn là con mình được học trường tốt, chứ xa xôi, kẹt xe chỉ là chuyện nhỏ”.
Lê Quỳnh – Minh Quyên (Vietnamnet)

 

Bình luận (0)