Mặc dù cả Bộ GDĐT cũng như các Sở và nhà trường, thậm chí cả giáo viên đều được phổ biến quy định cấm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác.
Tan học, đến thẳng nhà cô
Chị H.T.N, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thành Công B cho biết, con chị đang học lớp 2, 5 ngày trong tuần cháu đều học bán trú 2 buổi ở trường, 2 ngày cuối tuần phải đi học thêm tại lớp riêng của cô, không còn ngày nào để nghỉ ngơi, đi chơi hay nghỉ mát. Không chỉ học thêm 2 ngày cuối tuần, với lý do “chương trình nặng”, “không theo kịp các bạn trong lớp”, nhiều giáo viên tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã áp dụng “chiêu” dạy thêm khá kín kẽ. Sau khi tan học vào cuối giờ chiều, thay vì về nhà thì phụ huynh hoặc giáo viên sẽ dẫn thẳng học sinh đến nhà cô hoặc một địa điểm đã được cô chuẩn bị sẵn để… tiếp tục học thêm. Tại những trường, lớp có quá đông học sinh các cô phải chia lớp thành nhiều ca để dạy.
Một lớp học thêm của học sinh tiểu học. Ảnh: Hoàng Long
|
Các lớp học thêm này diễn ra rất nhộn nhịp quanh khu vực trường học. Có lớp là nhà riêng của cô, có nơi chỉ là căn phòng thuê chật chội chừng 15m2 ẩm thấp, thiếu ánh sáng… nhồi nhét vài chục học trò. Mỗi buổi học thêm có giá từ 30.000 – 50.000đ.
Với các cấp học cao hơn, việc học thêm được nhiều giáo viên coi như chuyện “đương nhiên”. Một số học sinh Trường THCS Xuân La cho biết, việc các em phải đi học thêm (mặc dù có học lực khá, giỏi) là chuyện bình thường. Vì nếu không đi, các em sẽ bị “trù”, chỉ nhận được điểm 4, 5 hoặc không làm được bài kiểm tra.
Một phụ huynh có con học lớp 12 tại Trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất) bức xúc phản ánh, nhà trường lấy danh nghĩa Hội phụ huynh học sinh tổ chức các lớp học phụ đạo một số môn văn hóa như Toán, Lý, Hóa, Sinh,… Ban đầu nhà trường cho các em đăng ký học trên tinh thần tự nguyện, sau do số lượng học sinh đi ít quá nhà trường bắt buộc 100% học sinh phải đi học phụ đạo. Nếu học sinh nào không đi học thì sẽ đánh vào hạnh kiểm cuối kỳ và cuối năm học.
Giải pháp nào cho vấn nạn này?
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định, chương trình tiểu học hiện nay thiết kế cho việc dạy học 1 buổi/ngày chứ chưa phải là 2 buổi/ngày. Bộ GDĐT cũng đã ban hành tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng để những địa phương nào khó khăn về điều kiện giảng dạy, về khả năng tiếp thu của học sinh có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bộ khẳng định là chương trình không hề nặng, càng không nặng đến mức mà học sinh học cả ngày ở trên lớp rồi tối về lại phải học thêm ở nhà cô giáo.
Bộ cũng đã có quy định rất rõ ràng từ đầu năm học về việc cấm dạy thêm, học thêm, giao bài về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày, nhưng thực tế, việc dạy thêm – học thêm vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần xuất phát từ phụ huynh học sinh, một phần lớn hơn là do lãnh đạo từ Bộ, Sở tới nhà trường không có thái độ kiên quyết và dứt khoát xử lý kỷ luật đối với những giáo viên tổ chức dạy thêm.
Không những thế, nhiều phụ huynh cho biết, với hướng dẫn mới đây của Bộ GDĐT về việc tổ chức học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học trên nhu cầu tự nguyện của phụ huynh và học sinh cũng là một cách để các trường “lách” luật, dựa vào đó để tận dụng các buổi học thứ 2 này để dạy thêm, phụ đạo… ngay trong trường một cách “danh chính ngôn thuận”.
Nguyên Minh / Lao Động
Bình luận (0)