Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sáng chế chữa bỏng hoàn toàn mới của cô sinh viên xứ Huế

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần bôi lên vết bỏng, Gel Pluronic sẽ lập tức tạo thành một màng chắn mỏng bao phủ và cách ly vết thương với môi trường bên ngoài, bảo vệ và giúp vết thương không bị nhiễm trùng, giúp kích thích tăng sinh niêm mạc, giúp vết thương chóng lành.

Sản phẩm mới này là kết quả 2 năm miệt mài nghiên cứu của Lê Thu Hương, cô sinh viên trường Đại học Y dược, Đại học Huế. Với đề tài này, Hương đã vinh dự nhận giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014. Lễ trao giải do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sẽ diễn ra vào sáng mai, ngày 15/1, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Lê Thu Hương Hương từng nhận giải nhì Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng y dược Việt Nam lần thứ XVII. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không thể đếm nổi số lần thất bại

Chia sẻ về đề tài của mình, cô sinh viên xứ Huế vui vẻ cho biết, tình cờ đọc được một nghiên cứu của nước ngoài từ thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước về một phương thức chữa bỏng khá tốt, nhưng khi tìm hiểu thêm, Hương phát hiện ra sau mấy chục năm, kết quả nghiên cứu đó vẫn không hề được ứng dụng trong thực tiễn do còn nhiều nhược điểm.

Nhận thấy đây là một đề tài rất thiết thực, ngay lập tức Hương cùng thầy hướng dẫn bắt tay vào nghiên cứu để đưa ra sản phẩm hoàn hảo hơn, khắc phục những nhược điểm còn bỏ ngỏ.

“Nhưng thử rồi mới biết việc nghiên cứu không hề đơn giản. Để đạt kết quả mong đợi, em đã mất đến 2 năm với vô số lần thất bại,” Hương chia sẻ. Đôi mắt thông minh sáng lên sau cặp kính cận dày, với giọng Huế ngọt ngào, cô sinh viên vui vẻ kể về những ngày miệt mài lăn lóc hết từ thư viện trường đến phòng thí nghiệm của Công ty dược Trung ương.

Chỉ riêng việc tìm kiếm tài liệu, Hương đã mất đến 6 tháng nghiền ngẫm trên thư viện, thêm nửa năm túc trực trên phòng thí nghiệm và một năm cho hàng loạt những vấn đề liên quan như phân tích mẫu sản phẩm, mẫu vật thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm và kết quả điều trị theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế…

Hương bảo, cứ hết giờ lên lớp em lại tranh thủ lên phòng thí nghiệm. Nếu ngày nào không phải lên giảng đường thì thời gian ở phòng thí nghiệm lên đến 6, 7 tiếng. Phòng thí nghiệm đóng cửa vào 17 giờ chiều nhưng có hôm cô sinh viên phải xin ở lại đến gần 20 giờ tối mới về.

“Nhiều khi nhìn bạn bè đi chơi còn mình loay hoay với các loại hóa chất, em cũng chạnh lòng, nhưng cảm giác ấy tan đi nhanh chóng khi nghĩ đến những công thức mới,” Hương chia sẻ.

Nói về những công thức pha chế, những hình ảnh kỷ niệm như ùa về trong giọng nói đầy hào hứng và tự hào của Hương. Em vui vẻ khoe “gia tài” có đến 3 quyển vở nháp ghi dày đặc những công thức và chúng hoàn toàn… thất bại. Chỉ cần khác nhau 0,1% nồng độ một chất nào đó trong hỗn hợp thì kết quả sản phẩm đã khác rất nhiều. Mỗi lần gia giảm là một công thức mới, thí nghiệm rồi thất bại rồi lại thí nghiệm… Thất bại nhiều đến mức Hương từng muốn bỏ cuộc vì quá nản.

Mong được thử nghiệm trên người

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 2 năm, cuối cùng cô sinh viên Huế đã chinh phục được những “lỗ hổng” trong đề tài nghiên cứu của “tiền bối” từ thế kỷ trước.

Hương chia sẻ: “Thời điểm kết quả thử nghiệm trên chuột bạch thành công, em mừng rơi nước mắt…” Hạn chế từ nghiên cứu cũ là gel không tạo màng ngay lập tức và màng tạo ra cũng không bền vững nên khó ứng dụng trong thực tế. Sản phẩm Gel Pluronic của Hương đã khắc phục được hai nhược điểm này khi nhanh chóng tạo màng khi tiếp xúc với cơ thể và màng tạo ra không bị bào mòn bởi dịch tiết ra từ vết thương.

Hương bảo, hiện để điều trị vết thương, trên thị trường chỉ có màng cơ học khá cứng so với yêu cầu và không bao phủ được vết thương hoàn toàn. Vì thế, nếu sản phẩm này được hoàn thiện hơn nữa để có thể ứng dụng trong thực tế sẽ đem lại ý nghĩa lớn. Tuy để được thực nghiệm trên người và nhất là đưa vào ứng dụng là chặng đường dài nhưng đó cũng là tham vọng rất lớn của em.

Vừa tốt nghiệp đại học, hiện Hương là tân giảng viên của Khoa Dược, trường Cao đẳng Y tế Huế. Với vai trò này, em sẽ có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện mong ước của mình và đó cũng là giá trị thiết thực nhất của mỗi đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhưng theo cô giảng viên trẻ, dù đề tài vẫn chưa tới đích lớn nhất thì việc nghiên cứu khoa học cũng đã mang lại cho em rất nhiều điều bổ ích với những trải nghiệm lý thú, những kiến thức mới được cập nhật và những kỹ năng được hoàn thiện hơn.

Là sinh viên ngành dược nhưng để hoàn thiện đề tài, kiểm chứng được hiệu quả cụ thể từ thuốc điều trị, Hương đã phải học cách cầm dao mổ vật thí nghiệm, cách khâu vết thương, phân tích mô ở phần vết thương đã điều trị như một sinh viên ngành y; học cách làm việc với động vật như sinh viên trường nông nghiệp…

“Điều quan trọng hơn nữa là sau hai năm miệt mài với một đề tài, trong đó để đến được thành công phải trải qua vô số lần thất bại, đã giúp em rèn luyện được ý chí, sự bền bỉ, kiên nhẫn và quyết tâm, những kỹ năng đó cần cả cho cuộc sống và công việc, cả hiện tại và tương lai,” Hương chia sẻ./.

Những hoạt động, thành tích đáng nể của Lê Thu Hương:

– Tốt nghiệp loại giỏi khoa Dược, Đại học Y dược, Đại học Huế

– Sinh viên 5 tốt trường Đại học Y Dược Huế.

– Tình nguyện viên đoàn khám Nước ngọt Huế của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Tham dự Hội nghị Global Lead Summit 2014 tại Padang, Indonesia.

– Giải Nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường Đại học Y Dược Huế lần thứ I.

– Giải Nhì Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng y dược Việt Nam lần thứ XVII đồng thời nhận bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với thành tích này.

– Giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII.

– Giải Nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014.

Phạm Mai

(Vietnam+)

Bình luận (0)