Ngày 16-12, Ban Quản lý dự án Giáo dục Đại học 2 (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo “Viết và công bố các bài báo trên các tạp chí có uy tín”. GS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, ĐH New South Wales, Australia) đánh giá, sự hiện diện của khoa học nước ta trên trường quốc tế còn khá “khiêm tốn”. Theo GS. Tuấn, chất lượng những bài báo được thực hiện ở nước ta còn chưa cao, hiếm các bài báo được công bố trên những tập san hàng đầu. Gần đây, Nhà nước đã gia tăng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học với kỳ vọng cũng sẽ tăng được sản lượng khoa học. Số lượng lẫn chất lượng của các bài báo khoa học trên các tập san quốc tế quyết định nhiều đến đầu ra của nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ở nước ta, công bố quốc tế (CBQT) hiện vẫn còn là thách thức lớn với các nhà khoa học, nhất là lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ.
GS. Phạm Duy Hiển (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cũng đồng tình, số lượng CBQT nước ta thời gian qua có sự gia tăng đáng kể nhưng vẫn trong tình trạng mất cân đối ở nhiều lĩnh vực. Toán học và vật lý lý thuyết chiếm ưu thế trong các CBQT ở Việt Nam trong khi chất lượng các nghiên cứu ứng dụng và công nghệ còn quá yếu kém. Theo GS. Hiển, việc thiếu đầu tư thích đáng và quan điểm chưa đúng đắn về nghiên cứu khoa học, đào tạo đã góp phần làm chậm bước phát triển. Một trong những quan điểm trong đó cho rằng, nghiên cứu ứng dụng không nhất thiết phải lấy CBQT làm thước đo chất lượng.
Hiện có rất ít CBQT bằng nội lực thuộc các lĩnh vực ứng dụng như chế biến lương thực, nông nghiệp và khai thác tài nguyên, các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của nước ta. Thực tế, các CBQT về y học chủ yếu thuộc về các tác giả đầu mối nước ngoài. Nghiên cứu y học bằng nội lực cũng chưa tương xứng với một quốc gia có ít nhiều truyền thống trong lĩnh vực này và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi những căn bệnh truyền nhiễm nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu đại dương và khí quyển – lĩnh vực quan trọng với một đất nước thường xuyên chịu các thảm họa thời tiết và có đường bờ biển dài với nhiều tiềm năng kinh tế cũng chưa tạo được dấu ấn đáng kể. Những nguyên nhân được nhiều đại biểu đề cập đến phần nhiều tập trung ở việc thiếu đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học; thiếu giáo sư và những nhà khoa học có kinh nghiệm chuyên sâu; thời lượng giảng dạy quá nhiều làm eo hẹp thời gian đầu tư nghiên cứu…
Một trong những giải pháp phát triển mà GS. Hiển chú trọng đề cập chính là việc tập trung nguồn lực nghiên cứu vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH đa ngành. Bởi đóng góp của các trường ĐH nước ta hiện nay trong số lượng CBQT mới chỉ khoảng 55%, thấp xa so với một số nước khu vực. GS. Hiển cho rằng, không nên xem CBQT như là trang sức mà cần được xem là tiêu chí để đánh giá chất lượng của hoạt động đào tạo, nghiên cứu ở các trường ĐH. Việc tập trung đầu tư nhiều công trình hơn nữa cho các lĩnh vực khoa học trực tiếp tác động đến phát triển kinh tế xã hội nước nhà cũng là một trong nhiều hướng đề xuất cải tiến nhận được từ các đại biểu tham gia hội thảo.
Mê Tâm
Bình luận (0)