Học sinh THCS tại TP.HCM học qua mạng. Ảnh: N.Anh
|
Mới đây, trước bức xúc của toàn xã hội về chất lượng và hiệu quả của giáo dục Việt Nam, một đề án công phu mang tên Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã ra đời. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng cách nửa vòng trái đất, Salman Khan, một người Mỹ nhập cư, lại có tham vọng lớn lao hơn – đổi mới căn bản nền giáo dục của cả thế giới.
Salman Khan (viết tắt là Khan) đến với giáo dục không qua đào tạo mà từ thành công trong việc phụ đạo toán cho một người em họ đang học lớp 7 và nhận ra sự bất cập của mô hình giáo dục truyền thống. Anh không hài lòng với thực trạng giáo dục trên thế giới hiện nay “một quá trình buồn tẻ, học thuộc lòng và nhớ các công thức nhằm đạt điểm tốt trong các kỳ thi”. Và anh tự hỏi cớ gì mà mô hình lớp học chuẩn – những bài giảng ở trường và làm bài tập về nhà một mình vào buổi tối – lại vẫn cứ tồn tại trong thời đại số hóa?
Khan thẳng thắn phê phán mô hình lớp học truyền thống dường như không thích hợp với những nhu cầu đang thay đổi. Đó cơ bản là một cách học thụ động, trong khi thế giới đòi hỏi xử lý thông tin chủ động. Mô hình cũ là gom người học theo lứa tuổi với một chương trình giảng dạy cùng một tốc độ chung cho tất cả và hy vọng người học sẽ tiếp nhận được điều gì đó trong quá trình giảng dạy. Rộng hơn nữa, Khan thấy thật bất công khi trẻ em khắp thế giới dù giàu hay nghèo – trong đó có vô số các nhân tài tiềm ẩn – đã không được hưởng một nền giáo dục đẳng cấp thế giới “khi mà công nghệ và nguồn lực để làm việc đó đã có”.
Ý thức được việc học là suốt đời, Khan còn đặt vấn đề lo học cho người lớn muốn tự học, cập nhật kiến thức của mình. Khan không chỉ biết đặt câu hỏi và đưa ra một tầm nhìn mà còn bắt tay vào hiện thực hóa những mơ ước chính đáng của mình. Với tư cách là giáo viên, Khan hy vọng “truyền một niềm hạnh phúc lớn lao của việc học, sự sảng khoái khi hiểu biết vũ trụ”.
Năm 2009, Khan lập nên một học viện trên mạng lấy tên là “Học viện Khan”. Cơ sở vật chất và nhân sự của học viện là ở mức tối thiểu nhưng Khan đặt cho nó một sứ mạng vĩ đại: Cung cấp một nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho bất cứ ai, tại bất cứ nơi nào, miễn phí. Khan đã thể hiện triết lý dạy của mình trong tất cả các bài giảng, bài tập do Học viện Khan phát ra. Kho tàng học liệu của học viện về các môn học phát qua YouTube hiện đã lên đến khoảng 100.000 bài tập, hơn 4.500 bài giảng qua video về các bộ môn. Vốn là người có khiếu trình bày một vấn đề khoa học khó hiểu trở thành thật dễ hiểu bằng bài giảng sinh động kéo dài không quá 15 phút, Khan khiến Bill Gates, người thường giúp con học toán và khoa học qua trang mạng Học viện Khan phải thán phục và ghen tị.
Đối tượng mà học viện này dạy là tất cả trẻ em và người lớn có trình độ từ lớp 3 trở lên đến ĐH, không phân biệt lứa tuổi. Học viên muốn nhập học vào trang web www.khanaca-demy.org đăng ký tên, rồi phải trả lời một số câu hỏi/ bài tập theo trình độ và sau đó được khuyên là cần học thêm nội dung nào. Nhờ vậy mà việc dạy học được cá thể hóa triệt để, điều mà nền giáo dục Việt Nam đang kêu gọi thực hiện nhưng còn bất khả thi khi người thầy đứng dạy cùng một lúc cho vài chục học sinh có trình độ và năng lực nhận thức chênh lệch.
Sau đó với máy tính cá nhân, học viên bắt đầu học theo từng chủ đề sinh động và độc đáo. Tuy được thực hiện qua mạng nhưng trò cũng nghe thầy nói, thấy từng chữ của thầy hiện lên (hay được xóa) trên “bảng đen”. Khan kêu gọi giáo viên hãy xem xét lại giáo án giảng dạy truyền thống, đảo ngược quá trình lên lớp bằng cách “giao cho học sinh những bài giảng video để xem qua mạng tại nhà, và làm “bài tập về nhà” tại lớp với sự giúp đỡ của giáo viên”.
Làm sao có thể “nuôi” được trang web khổng lồ này khi người học lại được hoàn toàn miễn phí? Bằng tầm nhìn, tinh thần dấn thân và tấm lòng của mình, Khan đã chinh phục được những trái tim bao dung và tìm được nguồn tài trợ từ các quỹ từ thiện. Ngoài ra, Khan đã khéo chọn lợi thế của thời đại số hóa làm điểm tựa để đặt chiếc đòn bẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Việc học qua mạng theo nội dung và phương pháp do Khan soạn đã giúp thay đổi cách dạy sao cho người học thấy hứng thú; giảm bớt số trường phải xây, số sách phải in, số lần đi lại; giúp cho bất cứ ai dù sống ở đâu, ở lứa tuổi nào cũng được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao mà lại miễn phí. Những đóng góp thiết thực của Khan cho nhân loại đáng để anh được Báo Times tôn vinh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012.
Thế giới đang vào bước ngoặt ngàn năm có một trong giáo dục. Học viện Khan đã tìm ra lời giải cho nhiều câu hỏi lâu nay vẫn ám ảnh những nhà cải cách giáo dục ở khắp thế giới, những người lâu nay chỉ nặng về phê phán và đưa ra những đề án chung chung nhưng chưa đề xuất được giải pháp khả thi và đột phá nào.
TS. Hồ Thiệu Hùng
(nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Việc học qua mạng theo nội dung và phương pháp do Khan soạn đã giúp thay đổi cách dạy sao cho người học thấy hứng thú; giảm bớt số trường phải xây, số sách phải in, số lần đi lại… |
Bình luận (0)