Sau Tết, nhiều lao động trẻ tìm việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM – Ảnh: N.Lịch |
"Có hai hướng nhảy việc. Hướng tích cực là đối với những bạn đã làm việc ở những môi trường năng động, có khả năng chuyên môn vững chắc, muốn tìm nơi khác tốt hơn để phát huy năng lực và học hỏi nhiều hơn. Còn hướng khác không tốt là chỉ vì lương cao hơn một chút, cứ đứng núi này trông núi nọ… làm cho thị trường lao động rối loạn".
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM cho hay: Hiện nay, trung bình mỗi ngày, các văn phòng của trung tâm nhận được 50 – 60 hồ sơ xin việc (giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, chủ yếu là những công nhân nghỉ việc ở những công ty cũ, còn lao động mới không nhiều. Số cung vẫn chưa đủ cầu vì doanh nghiệp đang "đặt hàng" cho trung tâm này 5 ngàn lao động. Theo ông Tùng, do thị trường lao động biến động, một số doanh nghiệp đã có những biện pháp chăm lo, cải thiện để giữ chân nhân công như: tăng lương, xây nhà lưu trú hoặc chu cấp khoản tiền cho công nhân thuê nhà trọ. Tuy nhiên, phía người lao động cũng cần chủ động tạo cơ hội cho mình tự học hỏi, nâng cao tay nghề, tham gia những khóa đào tạo của doanh nghiệp… "Đừng vội đóng khung cho mình bằng một ngành nghề nhất định mà nên trang bị để chủ động thích nghi, đáp ứng với môi trường lao động đa dạng, nhiều áp lực" – ông Tùng khuyên.
Nguyễn Tử Anh, 30 tuổi, Trưởng bộ phận đào tạo nguồn nhân lực Tập đoàn Hoa Sen cho biết từ năm 2004 đến nay, anh đã từng nhảy việc… 5 lần. Tử Anh từng kinh qua những công việc như: nhân viên công tác xã hội, phó giám đốc trung tâm tư vấn kinh tế thanh niên, giám đốc điều hành… Dù vậy anh lại cho biết: "Tôi không ủng hộ nhảy việc. Bởi lẽ, đây chính là hệ quả của vấn đề định hướng và hoạch định không tốt về bản thân, về công việc yêu thích, về tương lai. Nhảy việc chứng tỏ mình làm việc không theo đam mê nên dễ dàng bỏ cuộc". Theo Tử Anh, khi nhảy việc liên tục, các công ty lẫn người lao động không có đủ thời gian để thích ứng lẫn nhau. Do đó, quyền lợi của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tử Anh lưu ý, nhảy việc có thể "không sao" hoặc mang lại lợi ích cho những người làm ở những vị trí cao, bởi vì lúc đó, họ nhảy việc không phải với tư duy làm công ăn lương mà muốn cống hiến nhiều hơn, tạo thêm giá trị bản thân. "Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhảy việc là thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm của người trẻ?", chúng tôi hỏi. Nguyễn Tử Anh nói: "Thực ra đó chỉ là tâm lý đám đông. Tôi không phủ nhận trong số đó có một số bạn trẻ rất giỏi, bản lĩnh, muốn chứng tỏ bản sắc của tuổi trẻ ngày nay. Tuy nhiên, đó không phải là đại diện cho giới trẻ…".
Như Lịch (TNO)
Bình luận (0)