Trong hội thảo quốc tế "Sự trong sáng và tình dục: mâu thuẫn giữa chuẩn mực và thực tế cuộc sống" (16-18.4.2009 tại Hà Nội), "chiếc áo" chuẩn mực trong quan hệ tình dục (QHTD) đã được các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo làm mới khi đưa ra những quan điểm mà họ cho rằng phù hợp hơn với xã hội hiện đại.
“Chiếc áo cũ” chật hẹp
Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội, chuẩn mực về tình dục, tình yêu đang thay đổi. Chuẩn mực truyền thống đề cao chữ “trinh” – sự trong trắng của người phụ nữ; sự trong sáng của tình yêu; tình yêu trước hôn nhân là tình yêu không tình dục, phụ nữ phải ngây thơ, trinh tiết; tình dục chỉ có trong hôn nhân. Nhưng với cuộc sống hiện tại, luôn luôn có người bước qua chuẩn mực "cũ" và chuẩn mực đó cũng đang thay đổi. "Trước đây, đa phần trong chúng ta nhìn QHTD trước hôn nhân, ngoài hôn nhân với cái nhìn rất khắt khe. Ngày nay, đa phần lại cho rằng đó là việc của cá nhân. Mỗi người, mỗi cá nhân đều mong muốn xã hội tốt đẹp, văn minh, quyền cá nhân được thực hiện tốt đẹp nhất, không can thiệp quá sâu, xâm phạm riêng tư. Nhưng cá nhân đó phải có tính trách nhiệm với xã hội, bảo vệ quyền cá nhân nhưng không xâm phạm lợi ích chung của xã hội và của người khác", bà Hồng nói.
|
“Đã đến lúc, không thể chỉ căn cứ vào sự trong trắng để đánh giá sự tốt – xấu ở người phụ nữ khi mà họ không trong trắng bởi đã từng QHTD với người nam giới, người yêu họ!" – Bà Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội
“Về HIV/AIDS chẳng hạn, chúng ta vẫn thường nói đến các con đường lây nhiễm, và căn bệnh này luôn được gắn với các tệ nạn xã hội, các bạn trẻ được khuyên là muốn tránh căn bệnh này phải tránh xa các tệ nạn xã hội, phải sống lành mạnh nhưng sống lành mạnh là như thế nào thì bị bỏ ngỏ để các giáo viên và học sinh tự tìm hiểu” – Bà Uyên Phan – ARROW, Malaysia
|
|
Vậy sự trong trắng có còn hợp thời hay không? Bà Hồng nêu vấn đề và phân tích: "Rõ ràng, với trước đây sự trong trắng đó là tốt, là chuẩn mực nhưng giờ đây, nó không còn là thực tế cuộc sống. Đó là điều chúng ta phải thừa nhận. Đã đến lúc, không thể chỉ căn cứ vào sự trong trắng để đánh giá sự tốt – xấu ở người phụ nữ khi mà họ không trong trắng bởi đã từng QHTD với người nam giới, người yêu họ!". Theo bà Hồng: "Không cổ súy cho lối sống buông thả, nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần nghĩ lại về các chuẩn mực về sự trong trắng, về tình dục trước cuộc sống đang biến động”.
Cần cởi mở hơn!
Bác sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổ chức sức khỏe, gia đình quốc tế tại Việt Nam, nêu ý kiến cần cởi mở hơn, công bằng hơn với những người có QHTD khác với chuẩn mực. Bởi phần lớn xu hướng QHTD bị cho là khác với chuẩn mực không phải do họ lựa chọn mà do bẩm sinh, ví dụ đối với người đồng tính. "QHTD đồng giới thực ra vẫn có từ lâu, nhưng vì họ phải chịu những cái nhìn định kiến nên không thể bộc lộ sự thật về mình, thậm chí không biết tìm đến cơ sở y tế nào để chữa bệnh của mình. Sự kỳ thị đã khiến họ không thể bộc lộ thật hành vi tình dục của mình. Hiện tại, xã hội cũng đã nhìn nhận họ khác hơn, tích cực hơn, đó cũng là sự thay đổi về chuẩn mực. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn cần phải mạnh mẽ hơn. Cộng đồng và ngay trong gia đình, người thân cần hiểu được, xu hướng tình dục đồng giới không phải do họ muốn mà đó là vấn đề bẩm sinh. Chúng tôi biết, có những người có xu hướng tình dục đồng giới nhưng vẫn phải cố giấu kín vì họ sợ ảnh hưởng đến công việc, sự thăng tiến. Hầu hết những người bộc lộ sự thật về xu hướng tình dục đồng giới đều làm nghề tự do", bác sĩ Bảo chia sẻ.
TS Philip Martin (Nghiên cứu giới, ĐH Melbourne, Úc)
Năm 2006, khi tôi làm luận án tiến sĩ với đề tài “Sự thay đổi về nam tính: kinh nghiệm và hình mẫu nổi bật về nam tính của đàn ông Việt Nam tại các đô thị trong thời kỳ đổi mới tại Việt Nam”, một bạn trẻ sống ở đô thị đã nói với tôi rằng: “Xã hội thay đổi, sự mong muốn của mọi người cũng thay đổi. Ví dụ, trước đây người ta muốn có một chiếc tivi màu sản xuất tại Ba Lan nhưng giờ thì họ muốn của một chiếc tivi đẹp hơn và hiện đại hơn từ Nhật Bản, mỏng và có màn hình phẳng. Điều đó cũng tương tự đối với đời sống tình dục”.
Sự thay đổi trong thái độ và hành vi của người trẻ Việt Nam với tình dục diễn ra khá nhanh so với những thế hệ trước. Ví dụ như trước đây việc chia sẻ những thông tin liên quan đến tình dục chỉ diễn ra trong những nhóm nhỏ, bạn bè thân thiết. Nhưng hiện nay việc một nhóm bạn nam cùng xem phim sex hoặc việc một anh chàng kể với bạn mình về việc QHTD của anh ta với bạn gái chẳng hạn đã trở nên phổ biến hơn và dễ dàng được chấp nhận hơn. Ngay về vấn đề trinh tiết cũng vậy, có người bạn đã cho tôi biết nhiều người nghĩ màng trinh là bằng chứng về trinh tiết của người phụ nữ, nhưng có những cách thức có thể vá lại. Và theo anh ta, ngày nay trinh tiết dường như chỉ là “vấn đề cảm giác”.
Bà Uyên Phan (Trung tâm Thông tin và nghiên cứu phụ nữ châu Á Thái Bình Dương, ARROW – Malaysia)
Ở hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay chưa có một môn học chuyên biệt về giáo dục giới tính, mà các thông tin liên quan đến vấn đề này như phát triển cơ thể, tình yêu, sức khỏe sinh sản, các giá trị liên quan đến giới nằm rải rác, lồng ghép trong các môn học như giáo dục công dân, sinh học, văn học… Nhưng vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều là mô hình mà chúng ta sử dụng để đưa thông tin. Ví dụ trong sách giáo khoa người ta có thể tìm thấy những thông điệp liên quan đến các vấn đề như: bạn trẻ nên học tập, không nên yêu đương bởi vì sẽ có những nguy cơ về tình dục và những hậu quả xấu khác; tình dục là để sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân là xấu về mặt đạo đức và có hại, đem đến bệnh tật; tình dục là điều cấm kỵ, những nữ sinh tốt không có quan hệ tình dục… Nhưng phần thông tin về HIV/AIDS chẳng hạn, chúng ta vẫn thường nói đến các con đường lây nhiễm, và căn bệnh này luôn được gắn với các tệ nạn xã hội, các bạn trẻ được khuyên là muốn tránh căn bệnh này phải tránh xa các tệ nạn xã hội, phải sống lành mạnh nhưng sống lành mạnh là như thế nào thì bị bỏ ngỏ để các giáo viên và học sinh tự tìm hiểu. Theo tôi, phần này giáo viên có thể cung cấp thông tin mở hơn trên lớp. Nhưng do thời gian hạn chế và các thông tin cần cung cấp lại khá nhiều nên các giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nội dung kiến thức toàn diện, đồng thời hướng các học sinh đến một cái nhìn cởi mở và đúng đắn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, tình yêu, QHTD an toàn và có trách nhiệm…
Bên cạnh đó, cách giảng dạy như thế nào vẫn là một vấn đề vì việc đưa các thông tin về giới tính, tình dục… vẫn là khá nhạy cảm và khó thể hiện. Nhiều bạn trẻ không biết rằng tình dục cần phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần là QHTD.
Trường Sơn (ghi)
|
Nam Sơn (TNO)
Bình luận (0)