Sau 2 năm 2013-2014, triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020, cả nước đã có 14 bệnh viện làm hạt nhân tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa, tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên đã giảm rõ rệt góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên…
Phát triển bệnh viện vệ tinh sẽ giúp cho người bệnh không phải đổ dồn lên bệnh viện tuyến trung ương.
Người bệnh hưởng lợi
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) vui mừng cho biết, mặc dù chỉ là một bệnh viện hạng 2 nhưng sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên rõ rệt. Bệnh viện đã được Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao 46 kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành, trong đó có những kỹ thuật khó, phức tạp được y, bác sĩ của bệnh viện thực hiện thành công… Nhờ vậy người bệnh hưởng lợi rất nhiều.
Thống kế của Bệnh viện Đa khoa Phố Nối cho thấy, từ khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên của bệnh viện đã giảm 34,6%. Về phía người bệnh, rất nhiều người dân ở địa phương đã bày tỏ vui mừng khi nhiều dịch vụ y tế, kỹ thuật điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Phố Nối có chất lượng không thua kém bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội.
Trong khi đó, BS Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, sau khi được Bệnh viện Việt Đức chuyển giao nhiều kỹ thuật ngoại khoa, bệnh viện đã thực hiện thường quy được nhiều kỹ thuật khó như: phẫu thuật gãy xương đùi, phẫu thuật nội soi khớp, thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật chấn thương tim, sọ não, cột sống… góp phần cấp cứu và cứu sống kịp thời được nhiều người bệnh, nhất là những ca bệnh tai nạn giao thông đa chấn thương mà không phải chuyển lên tuyến trên. Về phía Bệnh viện Việt Đức, PGS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Sau khi được chúng tôi chuyển giao kỹ thuật, đến nay Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh đã thực hiện được khoảng 20 kỹ thuật ngoại khoa, gây mê phức tạp về phẫu thuật sọ não, mạch máu, chấn thương chỉnh hình. Hai năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, bệnh viện đã phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, trong đó có 37 ca máu tụ trong não, 73 ca ghép khuyết sọ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng”.
250 kỹ thuật được chuyển giao
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ việc hai bệnh viện là Việt Đức và Bạch Mai thực hiện thí điểm thành công mạng lưới bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế đã quyết triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 trong cả nước nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng y tế ở tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Sau 2 năm thực hiện, đề án đã thiết lập mạng lưới 14 bệnh viện hạt nhân là những bệnh viện trung ương có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh là những bệnh viện tuyến tỉnh thuộc các chuyên khoa: tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi. Đến nay, đã có khoảng 250 kỹ thuật được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh, giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, hạn chế tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê khẳng định mặc dù mới chỉ là giai đoạn đầu nhưng hiệu quả của đề án thể hiện rõ qua tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh có xu hướng giảm mạnh. Tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện hiện nay khoảng 30% – 35%, có những nơi như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 5% – 7%. Tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, phẫu thuật chấn thương sọ não năm 2013 phải chuyển tuyến 83 ca, sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật số ca chuyển tuyến còn 33 ca. Trên 37% số bệnh viện trong đề án bệnh viện vệ tinh đang giảm tỷ lệ chuyển tuyến, điển hình như: Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh; Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh… Nhiều bệnh viện vệ tinh đã có bước tiến vượt trội về chuyên môn kỹ thuật khi tham gia đề án. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả của đề án, vẫn còn một số khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện như: việc thiếu nhân lực của bệnh viện hạt nhân để tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện vệ tinh thiếu nhân lực, trang thiết bị để tiếp nhận kỹ thuật. Thậm chí một số địa phương chưa quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bệnh viện vệ tinh để tiếp nhận những kỹ thuật cao của bệnh viện hạt nhân.
Trong các năm tới, ngành y tế sẽ phát triển thêm bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh khác, trước mắt trong năm 2015 sẽ là 15 bệnh viện hạt nhân và 52 bệnh viện vệ tinh. Đồng thời các bệnh viện tỉnh dần dần thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tương tự như các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TPHCM.
NGUYỄN QUỐC
(SGGP)
Bình luận (0)