Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người thầy đặc biệt và những kỹ sư… “điên”

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng danh giá của những trường “thương hiệu”, làm việc ở các công ty có mức thu nhập mà nhiều người mong ước. Nhưng sau một thời gian “trả nợ” đam mê, ba kỹ sư này quyết định bước ngoặt cuộc đời, bằng cách về với nông thôn để trở thành những “nông dân” nuôi cấy nấm.

Mấy đứa này chắc… “bị điên”

Bình quân, mức thu nhập hàng tháng của họ xấp xỉ 2.000 đô la Mỹ nhưng họ vẫn “không hài lòng” với chính mình, đặc biệt, ruộng đồng như đã thấm vào máu, họ quyết định rẽ ngang về làm “nông dân” nuôi cấy nấm, đó là ba kỹ sư Nguyễn Văn Hoàng (kỹ sư điện tử), Phạm Thiên Hãnh và Nguyễn Văn Hai (kỹ sư viễn thông). Cười thật tươi, kỹ sư Hoàng tâm sự: “Khi quyết định rẽ ngang, bạn bè, người thân ai cũng nói: “Tại sao một công việc tốt như thế, thu nhập ổn định, cuộc sống an nhàn nơi phố thị… lại bỏ nghề tìm về nơi “đất khô cỏ cháy” để làm nông dân. Chắc chúng nó bị điên nên mới làm cái việc quái gở như vậy”.

Đam mê đã có nhưng còn có một yếu tố quan trọng, đó là cơ duyên, nói về việc này, kỹ sư Hải tâm sự: “Lúc mới làm, ba anh em ai cũng tự tin lắm vì mình có rất nhiều lợi thế, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, cây nấm phát triển không được như ý, khu nuôi cấy luôn bị khuẩn và có mùi như những trang trại nuôi nấm khác. Tìm tòi thông tin trên mạng, rồi được nhiều chuyên gia tư vấn chúng tôi được làm quen với TS. Nguyễn Văn Khải. Qua trao đổi bằng email, dù biết thầy chuyên ngành là tiến sĩ vật lý nhưng lại có những nghiên cứu khoa học “đặc biệt”, giúp nông dân trên mọi miền đất nước “thoát” khỏi những “căn bệnh trầm kha” của nhà nông. Chúng tôi áp dụng phương pháp dùng dung dịch anolyt (nước ozon) và bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí của thầy vào khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại…). Khu nuôi cấy nấm của mình không còn mùi nồng khó chịu, sản phẩm phát triển tốt ngoài mong đợi”.

TS. Khải và hai kỹ sư “bị điên” tại nơi nghiên cứu nấm

Kỹ sư Hải chia sẻ: “Thế mạnh của chúng tôi là dân công nghệ thông tin, vì vậy khi xác định làm trang trại (trên 6.000m2 tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi) nuôi cấy nấm, hệ thống ánh sáng được tính toán một cách tỉ mỉ và đặc biệt, cách làm mát, lưu thông không khí trong các giàn nuôi cấy nấm thuận lợi rất nhiều so với những người nuôi cấy nấm khác. Chắc chắn, sau thời gian thử nghiệm nhiều phương pháp vật lý vào nuôi cấy nấm, hiệu quả công việc tốt, chúng tôi sẽ chuyển giao kinh nghiệm này cho bà con nông dân với mong muốn, nấm Việt Nam sẽ vươn ra thế giới, người tiêu dùng trong nước sẽ có những sản phẩm nấm sạch – đạt chất lượng cao và quan trọng nhất, giá thành của sản phẩm thấp để tất cả hộ gia đình tại TP.HCM nói riêng và cả nước đều được hưởng lợi”.

Và người thầy đặc biệt

Nói về người thầy đặc biệt này, kỹ sư Hoàng chia sẻ: “Hơn một năm trước, sau khi dịch bệnh tay – chân – miệng bùng phát tại Việt Nam, TS. Khải xuôi ngược hết trong Nam lại tới ngoài Bắc, rồi về Tây Nguyên lên Tây Bắc để tìm hiểu căn nguyên bùng phát dịch bệnh này. Tại tỉnh Ninh Thuận, trong nỗi hoang mang cùng cực của gần 600 gia đình có trẻ mắc bệnh, sự xuất hiện của TS. Nguyễn Văn Khải đã phần nào trấn an người dân khi ông lăn lộn vào các điểm “nóng” và chế ngự đại dịch. Bệnh tay – chân – miệng được ông gọi là bệnh lở loét do bội nhiễm, bằng phương pháp dùng dung dịch anolyt (vẫn gọi là nước ozon). TS. Khải áp dụng phương pháp trị liệu này, nhiều trẻ bị nhiễm dịch đã có dấu hiệu thuyên giảm, rồi hết bệnh”.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc giúp nhiều tỉnh thành phòng ngừa được dịch bệnh tay – chân – miệng, TS. Khải còn có hàng loạt công trình khoa học để đời, tên tuổi ông được giới khoa học quốc tế biết đến. Đó là hai bằng sáng chế “Đầu thu laser CO2” năm 1982 và “Vật liệu quang dẫn sử dụng năng lượng mặt trời” năm 1991. Các đề tài khác của thầy luôn có tính ứng dụng cao và được sử dụng đại trà trong nước, như bảng không lóa màu xanh lá cây, đèn học đường… Đặc biệt, việc sáng chế ra máy sản xuất nước ozon (có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng, siêu vi trùng, nấm và bào tử nhưng không gây tác hại cho người và động thực vật) để giúp nông dân bảo quản hoa quả tươi lâu, mang lại lợi ích kinh tế khá lớn được ông coi là sản phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

TS. Khải và hai kỹ sư “bị điên” tại nơi nghiên cứu nấm

TS. Khải đau đáu: “Trên thế giới, duy nhất Việt Nam có loại đèn bàn Led 3,5W không cháy khi điện nguồn dao động hàng triệu lần/giây và đạt tuổi thọ 50.000-100.000 giờ (so với khoảng 1.000 giờ của bóng thường và 8.000 giờ của bóng compact). Nhưng lại không được mấy ai triển khai sản xuất, quảng bá sản phẩm đến nhân dân, nhất là với nhân dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa không cần nhà máy phát điện công suất cao…”.

 

Bình luận (0)