Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên nghiên cứu khoa học: Chỉ “ghi tên” để tính điểm?

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
GD&TĐ – Thực tế, một số đề tài nghiên cứu khoa học do nhóm sinh viên thực hiện vẫn theo kiểu ghi tên tính điểm. Có những công trình ghi tên 4 đến 5 sinh viên tham gia nhưng thực chất chỉ có 1 đến 2 sinh viên thực hiện.

Tránh nghiên cứu chống đối

Một số trường ĐH đặt ra quy chế cộng điểm cho sinh viên nghiên cứu theo số điểm đề tài sinh viên thực hiện gắn với các môn học, không chú ý tới việc đề tài đó do cá nhân hay tập thể sinh viên thực hiện. Việc quản lý không chặt chẽ đó đã dẫn tới nhiều sinh viên ghi tên chỉ để được cộng điểm.

Giảng viên Hoàng Thúc Lân – Trường ĐHSP Hà Nội – cho biết, trước đây nhà trường cũng có quy chế này. Tuy nhiên, hiện nay quy chế đó đã sửa đổi, nếu nhóm đề tài thực hiện thì số điểm được cộng vào kết quả môn học sẽ được chia đều cho số thành viên thực hiện, nên khắc phục dần được hiện tượng sinh viên làm việc nhóm trong nghiên cứu khoa học theo kiểu ghi tên cộng điểm như những năm vừa qua.

“Nghiên cứu chống đối như trên chẳng những không mang lại hiệu quả gì cho bản thân, mà còn rơi vào chủ nghĩa thành tích trong học tập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sinh viên” – giảng viên Hoàng Thúc Lân cho hay.

Bên cạnh thực trạng chống đối trong nghiên cứu khoa học của một bộ phận sinh viên, điều đáng suy ngẫm là vẫn có những đề tài sinh viên thực hiện thiếu sáng tạo, ý thức nghiên cứu chưa cao, có nội dung sao chép nguyên xi công trình khoa học đã công bố. Một số dù không sao chép nhưng lại không tìm ra được đóng góp mới về mặt khoa học, còn mang tính chung chung, trừu tượng.

Một thực trạng khác được giảng viên Hoàng Thúc Lân đề cập là một bộ phận sinh viên còn mắc phải những sai lầm trong lựa chọn đề tài nghiên cứu. Do thiếu kinh nghiệm cũng như trải nghiệm khoa học, nên sinh viên mắc phải lỗi nghiên cứu thuần túy về lý luận mà ít có khả năng luận giải những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Nhiều sinh viên mới dừng lại ở khả năng tổng hợp, xâu chuỗi đề tài mà chưaa có khả nặng vận dụng kiến thức khoa học để luận giải vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả.

Không có công trình NCKH, không được tốt nghiệp

Giảng viên Hoàng Thúc Lân cho biết, coi công trình nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn bắt buộc đối với sinh viên được học lớp đoàn viên ưu tú, lớp tìm hiểu vào Đảng – đó là kinh nghiệm mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thực hiện một vài năm gần đây.

Để nghiên cứu khoa học phát triển quy mô cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, các trường đại học sư phạm cần phải đặt ra quy chế bắt buộc đối với sinh viên trong quá trình học tập; công trình nghiên cứu khoa học phải được coi như một đơn vị học trình bắt buộc trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, nếu không có công trình thì sinh viên đó không được tốt nghiệp.

Hay để phát triển Đảng trong sinh viên cũng đặt ra tiêu chí bắt buộc, sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá, xếp loại từ khá trở lên mới được tham gia lớp đoàn viên ưu tú hay được kết nạp vào Đảng. Có như vậy, sinh viên mới có trách nhiệm hơn với việc nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Giảng viên Hoàng Thúc Lân cũng đề cập đến vai trò môn Phương pháp luận cho sinh viên sư phạm trong nâng cao nặng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Cùng với đó là cơ chế khen thưởng, khích lệ xứng đáng với những cống hiến mà tư duy, sáng tạo của sinh viên mang lại.

Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho sinh viên nghiên cứu khoa học cũng vô cùng quan trọng. “Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đam mê, say sưa nghiên cứu nhưng lại khó khăn về điều kiện vật chất nên khó đạt được mong ước nghiên cứu của mình.

Chẳng hạn, có những công trình nghiên cứu của sinh viên phải đầu tư nhiều kinh phí để mua hóa chất thí nghiệm, hay phải khảo sát thực tiễn, nhưng sinh viên không có khả năng để thực nghiệm khoa học nên phải bỏ dở, hay triển khai không mang lại hiệu quả mong muốn do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Vì vậy, theo tôi, nên chăng đối với những đề tài của những ngành học đặc thù cần phải thí nghiệm, khảo sát thực tiễn, cần đến sự hỗ trợ kinh phí, thì nhà trường cũng tạo điều kiện để sinh viên được thực hiện ước mơ của mình.

Thực tế hiện nay, sinh viên nghiên cứu khoa học đều tự túc về kinh phí, nên nhiều sinh viên có ý tưởng hay, nhưng do hoàn cảnh và điều kiện khó khăn nên cũng phải từ bỏ ước mơ nghiên cứu của mình” – Giảng viên Hoàng Thúc Lân đưa kiến nghị.

Nâng cao trình độ của giảng viên

"Để nâng cao năng lực tư duy, nghiên cứu của sinh viên sư phạm cần phải nâng cao trình độ, năng lực dạy học của giảng viên.

Mỗi bài giảng là một chuyên đề khoa học chuyên sâu, gợi mở ra những khía cạnh, những tình huống cấp thiết trong thực tiễn cần phải giải quyết về mặt lý luận khoa học.

Bên cạnh đó, nội dung và phương pháp mà giảng viên đưa ra phải hướng tới rèn luyện năng lực tư duy, độc lập, sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê, tìm tòi, khám phá của sinh viên.

Chẳng hạn, khi giảng về một đơn vị kiến thức trong giáo trình, giảng viên phải gợi mở những vấn đề thực tiễn để kích thích tư duy sáng tạo cho sinh viên.

Cách dạy học sáng tạo của giảng viên vừa tạo sự hứng thú, say mê học tập, nghiên cứu trong sinh viên, lại vừa phát huy được giá trị của môn học đối với người học".

Giảng viên Hoàng Thúc Lân

Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ

 

Bình luận (0)