Hàng chục loại phí và phụ phí vô lý nhưng doanh nghiệp vẫn phải “nghiến răng” chi trả mỗi khi xuất hay nhập hàng suốt một thời gian dài.
Nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu một công ty thủy sản cho biết, từ đầu năm 2016, doanh nghiệp (DN) đã nhận được thông báo tăng cước phí vận chuyển từ các hãng tàu. Theo đó, tăng 500 – 1.000 USD/container (cont), tùy cont 20 feet hay 40 feet; tăng 300 – 600 USD hàng đi châu Âu, Mỹ. Mức tăng cước thấp nhất là 200 USD/cont.
Phí hạ cont, phí niêm chì, phí vệ sinh…
|
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, bổ sung, từ đầu tháng 12.2015, một số phí và phụ phí theo cước vận tải biển như phí nâng hạ cont, phí vệ sinh… đã rục rịch tăng khoảng 10%. So với đầu năm 2015, hầu hết các loại phí đều tăng từ 10 – 15%, riêng phí nâng hạ cont đã tăng gần gấp đôi. “Lâu nay hầu như phí và phụ phí chỉ có tăng chứ không giảm. Năm qua xăng dầu thế giới giảm mà các loại phí có liên quan không hề giảm như phí vận chuyển cont, phí nâng hạ cont… Nhưng chỉ cần giá xăng tăng 1.000 đồng là các đơn vị đó sẽ tăng giá ngay”, bà than phiền.
Đặc biệt, bao năm qua, DN phải chi trả những loại phí vẫn tồn tại một cách vô lý. Thí dụ DN đã trả tiền thuê cont nhưng hãng tàu tách riêng và thu thêm phí seal (niêm chì). “Phí vệ sinh cont DN đóng đều đặn khoảng 200.000 đồng/cont nhưng khi nhận cont rất dơ. Nếu trước đó những cont chở bắp, đậu nành… thì DN phải quét dọn, xịt rửa và phơi khô. Có nhiều lúc không khô kịp phải mua thùng carton lót để xếp hàng. Hay như mức phí cân đối cont hai chiều cũng thật khó hiểu”, bà Liên bức xúc. Bà tính toán, một cont xuất hay nhập khẩu đều phải trả các loại phí từ 8 – 9 triệu đồng, cộng thêm phí vận chuyển cont rỗng từ cảng về nhà máy khoảng 2,5 triệu đồng/cont, tổng các loại phụ phí đã “nhảy vọt” lên gần 12 triệu đồng/cont, tương đương 533 USD. Bà Liên chỉ rõ, những DN làm hàng gia công như da giày, dệt may thường do khách hàng chỉ định hãng tàu nên DN không được chủ động lựa chọn. Đồng thời, các hãng tàu nước ngoài đặt ra nhiều loại phụ phí kèm theo giá rất cao. “Những lúc cao điểm có tháng chúng tôi xuất và nhập khoảng 40 – 50 cont, riêng các loại phụ phí đã mất gần 600 triệu đồng”, bà Liên cho biết.
Theo thống kê của các DN xuất nhập khẩu, chỉ tính riêng các loại phí và phụ phí đưa hàng từ nhà máy ra đóng vào cont đã lên gần chục loại. Chẳng hạn, đối với hàng xuất khẩu, DN phải nộp cho hãng tàu phí xuất hàng 35 – 40 USD/bộ, phí seal 8 USD/cont; phí xếp dỡ từ 100 – 150 USD/cont, phí trải cont để đóng hàng từ 700.000 – 1,2 triệu đồng/cont 40 feet, phí nâng hạ cont từ 800.000 – 1,2 triệu đồng/lần… Riêng hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ và Nhật có thêm phí khai hải quan từ 25 – 30 USD. Ngoài một số mức phí tương đương, hàng xuất khẩu còn chịu thêm một số loại phí khác như phí vệ sinh 220.000 – 240.000 đồng/cont, phí đóng hàng lẻ 17 – 18 USD/khối, phí handling 25 USD/lô hàng, phí mất cân đối cont hai chiều từ 35 – 70 USD/cont… Có những loại phí rất vô lý và DN không thể hiểu, như phí mất cân đối cont hai chiều chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ cont giữa 2 đầu bến, thường chỉ xuất hiện theo thời vụ. Đối với hàng nhập về VN, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ chịu phí này, thế nhưng chủ tàu nước ngoài vẫn thu giá rất cao và liên tục từ năm 2010 đến nay.
|
Theo ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng VN (VNSC), mỗi hãng tàu thu khoảng 10 – 14 loại phí. Có nhiều loại phí vẫn duy trì dù DN bất bình, như phí làm sạch cont, phí sửa chữa, phí mất cân đối cont, phí vệ sinh cont, phí bến bãi lên gấp đôi… “Đây là những loại phí thuộc về bên cung cấp nhưng lại bắt DN phải chịu”, ông nói.
Không chấp nhận thì “không làm gì được”
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, không có nhà xuất nhập khẩu ở nước nào mà gánh chịu nhiều phí và phụ phí nặng như ở VN. Chưa kể các hãng tàu thu không báo trước hay báo trước thời gian ngắn làm nhiều DN trở tay không kịp. Các bạn hàng nói ở VN quá nhiều phụ phí, nhưng trong khi các nước tổ chức được đội tàu, thì ở VN hầu hết là các hãng tàu nước ngoài, nên nếu DN không chấp nhận các loại phí thì cũng không làm gì được.
Ông cũng cho rằng, cước phí vận tải đắt đỏ đã “ngáng đường” cơ hội phát triển của nhiều sản phẩm. Chẳng hạn, ở lĩnh vực trái cây có cơ hội phát triển lớn với chi phí rẻ. Tuy nhiên, chi phí cho vận tải còn đắt đỏ hơn chi phí sản xuất đã đẩy giá thành lên cao. Trong khi nhiều mặt hàng nhập về giá rẻ hơn nên hàng nội địa cạnh tranh không được. “Không chỉ trái cây mà còn nhiều mặt hàng khác cũng chịu chung tình cảnh này", ông nói.
Theo khảo sát năm 2015 trong lĩnh vực thuế và hải quan của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), chi phí không chính thức làm việc với cán bộ thuế vẫn khá phổ biến khi có đến 55% DN cho rằng nếu không chi thêm thì sẽ bị phân biệt đối xử. Trong một hội thảo của VCCI mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng dẫn con số điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, số tiền DN VN phải chi để bôi trơn chiếm từ 0,72 – 1,02 lần lợi nhuận của DN. Nghĩa là DN làm ra được 1 đồng lợi nhuận thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng cho phí bôi trơn. Hiện DN Việt phải đóng góp hơn 40% lợi nhuận cho các loại thuế, phí trong khi mức thuế DN trong ASEAN bình quân là 17%. Với mức thuế phí cao, DN Việt khó có thể tích lũy để tái đầu tư.
Ông Phan Thông đặt vấn đề, so với cách đây 4 năm (năm 2011), năm 2015 tình trạng phí và phụ phí không giảm đi mà còn cao hơn. Chi phí lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán xuất nhập khẩu và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Với những chi phí bất hợp lý, DN không thể đưa vào chi phí đầu vào, trong khi giá thành đầu ra bị thị trường kiểm soát. Phụ phí biến động lúc này lúc khác còn làm DN bị động về kinh doanh, bị động trong các đàm phán và hợp đồng ngoại thương. Việc đóng quá nhiều phí làm tăng chi phí vận tải và giá thành, giảm sự cạnh tranh hàng hóa VN trên thị trường quốc tế.
H.Sương – M.Phương (TNO)
Bình luận (0)