Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chiến lược chọn trường vào lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Từ hôm nay (29-4) đến ngày 11-5, các trường THCS sẽ tổ chức cho phụ huynh HS và HS tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 10. Những năm trước, có HS chọn trường có điểm chuẩn quá cao so với sức học của mình nên rớt lớp 10; cũng có em lại chọn trường quá xa nhà nên phải chuyển trường giữa chừng… Vậy các em nên chọn trường như thế nào để tránh những sai lầm đáng tiếc?

Giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) hướng dẫn HS làm hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 năm vừa qua. Ảnh: D.Bình

Chia tốp theo trình độ

Khi tư vấn cho HS chọn trường vào lớp 10, hầu hết các giáo viên đều dựa vào năng lực, điểm chuẩn những năm trước của các trường THPT để tư vấn.

Thầy Đoàn Bá Cường – Hiệu trưởng THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận – cho biết: “Dựa vào tổng điểm thi học kỳ 3 môn (toán và văn cùng hệ số 2; tiếng Anh), đồng thời xem xét điểm trung bình cuối năm của 3 môn để cân nhắc chọn nguyện vọng (NV). Khi chọn NV, dựa vào điểm chuẩn các trường THPT những năm gần đây để chia thành 3 tốp theo trình độ của 3 môn cụ thể trên. Tốp đầu là những trường THPT có điểm chuẩn từ 38 trở lên, tốp giữa từ 28 đến 37 điểm và tốp sau là những trường còn lại. Theo đó, những em có điểm số từ
8/môn trở lên thì có thể chọn tốp đầu, rồi các NV sau nhích dần xuống; với những em có điểm số học lực khá có thể chọn các trường tốp giữa…”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Thanh Tịnh – giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1 – lại chia thành 5 tốp để tư vấn cho HS. Theo thầy Tịnh, HS nên lấy điểm học lực trung bình 3 môn toán, văn, Anh vào cuối năm lớp 9 làm tham chiếu cho điểm thi học kỳ 2 3 môn này để làm hồ sơ đăng ký NV. Các em có thể lấy điểm thi học kỳ 2 môn (toán + văn)x2 + tiếng Anh rồi chia các trường THPT thành 5 tốp, thấy điểm của mình vào ngưỡng điểm chuẩn năm trước của  trường nào thì chọn trường đó. 5 tốp trường là tốp trường A có điểm chuẩn từ 38 điểm trở  lên, tốp B từ 35 điểm đến 37,75 điểm, tốp C từ 32 đến 34,75 điểm, tốp D từ 28 đến 31,75 điểm, tốp E là những trường còn lại. Sau đó, các em viết NV1 là NV 50/50, tức là điểm học kỳ 2 các môn trên nằm ở tốp nào thì đăng ký ngay ở tốp trường đó, NV2 và 3 thì mỗi NV tụt xuống 1 tốp trường.

Mặc dù vậy, thầy Cường lưu ý: “Điểm thi học kỳ chỉ là một trong những căn cứ để chọn NV vì đề thi học kỳ thường dễ hơn đề tuyển sinh lớp 10 khoảng 20%”. Đây cũng là một trong những lý do tại sao nhiều trường lại tư vấn cho HS trừ hao một vài điểm khi chọn NV.

Về vấn đề này, thầy Tịnh cho rằng: “Ở đề thi học kỳ thì HS vừa học xong học kỳ 2, lại ôn thi nhiều môn chứ không phải 3 môn nên chỉ ra đề phù hợp với kiến thức lúc đó. Còn khi thi lớp 10, trình độ kiến thức của các em đã được nâng lên nhiều, gần giữa tháng 6 mới thi nên HS có hơn 1 tháng để ôn tập. Qua theo dõi nhiều năm, tôi thấy điểm thi học kỳ 2 của các em không chênh lệch so với điểm thi lớp 10 nhiều”.

Trước vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh – đưa ra lời khuyên: “Kết quả của cả năm học là tiêu chí lâu dài để đánh giá năng lực HS có thể chọn các tốp trường nào. Phụ huynh và HS nên tin tưởng vào sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và bộ môn vì đây là những người theo sát các em, sẽ có những đánh giá khách quan nhất, chính xác nhất”.

Không nên chọn trường quá xa

Giáo viên Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh tư vấn cho phụ huynh chọn trường cho con vào lớp 10 năm học 2015-2016

Mặc dù ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho cả HS và phụ huynh nhưng phải thừa nhận một thực tế là tâm lý của phụ huynh vẫn muốn con vào học THPT và các bậc cao hơn. Bởi vậy, nhiều phụ huynh biết năng lực của con không thể thi vào những trường THPT gần nhà nên đã chọn phương án trường xa.

Năm học này Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Q.9 có 43 lớp với 1.045 HS nhưng đến đầu tháng 4 chỉ còn 998 em. Thầy Phạm Quang Ái – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Năm ngoái trường tuyển được gần 600 HS vào lớp 10 nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, thời điểm này đã có một số HS ở Q.Thủ Đức và các quận khác đang rục rịch xin chuyển”.

Điểm trúng tuyển vào Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh những năm gần đây chỉ khoảng 13 điểm, một số điểm áp chót nên mỗi năm trường đều có HS của quận khác thi tuyển vào. Cô Nguyễn Thị Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Mỗi năm có khoảng 30 HS nghỉ học, trong đó phần lớn các em chuyển sang các hệ thống trường nghề do không theo kịp chương trình, số còn lại khoảng 8-10 em chuyển trường về tỉnh học hoặc sang quận khác học cho gần nhà”.

Việc trường học quá xa nhà khiến HS gặp không ít khó khăn, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. “Nếu đi học ở các quận xa địa bàn cư trú thì 1 đến 2 tháng đầu HS có thể chịu khó được nhưng cả năm, cả khóa (3 năm) thì không thể. Vì vậy dẫn đến tình trạng nghỉ, bỏ học giữa chừng gây lãng phí công sức, tiền bạc, thời gian cho bản thân HS, gia đình và cả xã hội. Các em nên chọn những trường gần nhà, chẳng hạn như HS ở Bình Thạnh nên chọn những trường trong quận, nếu buộc phải chọn trường ngoài quận thì cũng nên chọn trường ở quận lân cận như THPT Thủ Thiêm, Q.2 chứ đừng nên chọn các trường ở tít Q.12…”.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)