Sau khi trả 5,9 triệu kroner (902.500 USD) cho nguồn giấu tên, Đan Mạch đã nhận được các tài liệu bị rò rỉ từ hãng luật Panama Mossack Monseca liên quan các khách hàng Đan Mạch đã mở các công ty hải ngoại để trốn thuế.
Quan chức Cơ quan Thuế và Hải quan Đan Mạch (DCTA) Jim Soerensen ngày 29-9 cho biết "Chúng tôi đã được xem thử các tài liệu từ ngày 9-9 trước khi trả tiền" và bây giờ sẽ "đi sâu" xem xét điều tra trốn thuế với những người có tên trong tài liệu.
Tài liệu từ Hồ sơ Panama có thể liên quan 600 người Đan Mạch đã thông qua hãng luật Mossack Monseca lập các công ty hải ngoại để trốn thuế. Ảnh minh họa
Soerensen nói với AP: "Tôi không thể nói nhân danh quốc gia khác, nhưng tôi có thể nói Đan Mạch công khai về những gì chính quyền chúng tôi làm. Việc tiếp xúc với nguồn giấu tên đã được thực hiện thông qua một nước khác bằng tin nhắn mã hóa".
DCTA đã nhận được tài liệu gồm các văn bản pháp luật, các thỏa thuận và thư từ, ông Soerensen nói và cho biết thêm "nếu chúng tôi phát hiện bất kỳ thông tin liên quan nước khác, chúng tôi sẽ chuyển thông tin đó theo các hiệp ước quốc tế".
Đầu tháng 9 này, nhà chức trách Đan Mạch cho biết đã nhận được đề nghị từ nguồn giấu tên về các tài liệu từ Hồ sơ Panama có thể liên quan 600 người Đan Mạch, vào thời điểm đó họ đã không tiết lộ giá phải trả.
Soerensen cho biết, giao dịch đã được tiến hành "gần đây", với 4,7 triệu kroner (706.960 USD) đã được trả trực tiếp cho nguồn giấu tên và 1,2 triệu kroner (180.500 USD) là các loại thuế giao dịch.
Đa số trong Quốc hội Đan Mạch đã ủng hộ việc mua tài liệu này, dù chưa rõ có bao nhiêu nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch này, vốn chưa hề được bỏ phiếu tại Quốc hội.
Hồ sơ Panama, gồm hơn 11,5 triệu tài liệu từ cơ sở dữ liệu nội bộ khổng lồ của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama, đầu tiên được tiết lộ cho báo Đức Sueddeutsche Zeitung, sau đó báo chia sẻ với Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) và hơn 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia để điều tra và đồng loạt công bố hồi tháng 4.
Qua tháng 5, ICIJ công bố cơ sở dữ liệu tương tác có thể tìm kiếm thông tin của hơn 200.000 công ty hải ngoại, kèm tài liệu nội bộ của Mossack Fonseca cho thấy chủ sở hữu thực sự của các công ty này ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
THIỆN NGUYỄN/ SGGP
Bình luận (0)