Hiện tượng lũ chồng lũ ở miền Trung và thời thiết thất thường ở ĐBSCL, nước ngập do bể bờ bao ở TP.HCM đang khiến nông dân canh tác hoa Tết bị ảnh hưởng, thậm chí thiệt hại nặng nề do bị ngập úng, gây hư hại hoặc nở hoa sớm.
Người dân làng mai Nhơn An gấp rút giội rửa mai kiểng sau khi nước lũ bắt đầu rút vào ngày 17-12. Ảnh: IT |
Lũ chồng lũ: Nhiều làng hoa miền Trung thất thủ
Thông tin từ văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, đợt mưa lũ trong những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản, trong đó làng hoa Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) bị thiệt hại nghiêm trọng về số lượng hoa Tết đang canh tác. Làng hoa này được coi là thủ phủ hoa cúc, cung ứng hoa Tết cho tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, TP.HCM. Tính riêng vụ hoa Tết năm nay, làng hoa này có 274 hộ trồng hoa với gần 160.000 chậu hoa cúc. Đợt lũ vừa qua làm cho hàng trăm chậu hoa 3 tháng tuổi bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Những chậu còn sống sau lũ lại đối diện với nguy cơ mắc bệnh cháy lá, thối nhũng, nhện đỏ.
Tương tự, các hộ dân ở thủ phủ hoa cúc của làng hoa Tư Nghĩa (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) trong những ngày qua đang dùng hết những nỗ lực cuối cùng để tưới rửa bùn non cho những chậu hoa khi nước lũ vừa rút. Chỉ trong 20 ngày, địa phương này đã hứng chịu 4 trận mưa lũ, khiến khoảng 200.000 chậu hoa trồng bán Tết Nguyên đán đang héo úa dần. Lũ về khiến nhiều ruộng hoa hồng, hoa cúc đã được thương lái đặt cọc cũng bị tàn theo lũ dữ. Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, đợt lũ khiến hàng trăm hộ dân trồng hoa Tết sẽ rơi vào cảnh nợ nần sau khi lũ rút. Thiệt hại ước tính đã đến con số 300.000 chậu hoa, tương đương khoảng hơn 30 tỉ đồng.
Cùng chung số phận, làng mai Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) trong một tháng qua cũng đã oằn mình trước 2 đợt lũ lớn. Vốn được mệnh danh là thủ phủ mai kiểng, chuyên cung ứng hàng hoa Tết lớn nhất Bình Định và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, người dân làng hoa hiện đang lo mất Tết vì lũ gây thiệt hại nặng nề. Vào sáng ngày 17-12 vừa qua, khi mực nước lũ rút đến ngang hông, trời bắt đầu hửng nắng, ông Nguyễn Sơn Kề cùng nhiều hộ dân khác vừa trở về sau khi đi sơ tán lũ, đã vội vàng lao ra ruộng mai để giội rửa những chậu mai kiểng còn sót lại, vì nếu để bùn đất dính trên lá mai khô lại dưới nắng, lá sẽ rụng ngay và sẽ nở hoa sớm. Ruộng mai của gia đình ông Kề với gần 2.000 chậu mai kiểng (từ 3-5 năm tuổi), mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng “năm nay lũ chồng lũ, ruộng mai nhà tôi lũ ngập lút ngọn liên tục, coi như thất thu, mất Tết”.
TP.HCM, ĐBSCL: Mai nở sớm do sốc nhiệt
Không chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ như các tỉnh miền Trung, nhưng tình trạng bể bờ bao, vỡ đê gây ngập cục bộ vào ngày 17-11 vừa qua đã gây thiệt hại 7.700 cây mai ở khu Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức). Vườn mai của ông Trần Văn Tu (khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 1.000 gốc mai vàng. Trước đó, ông Tu cùng các hộ dân đã cẩn thận đắp đê bao để bảo vệ vườn mai, không ngờ mưa to trùng với thời điểm triều cường dâng cao gây ngập lút gốc mai. Do đang trong giai đoạn siết nước, nay gặp nước mưa nên vườn mai của các hộ dân ở khu Hiệp Bình Phước đã bung cánh nở gần hết. Tương tự, đợt triều cường giữa tháng 10 âm lịch vừa qua cũng đã nhấn chìm hơn 8.000 gốc mai tại quận 9 và quận 12 gây thiệt hại đáng kể.
Tình trạng hoa mai nở sớm cũng đã trở thành nỗi lo lớn cho các hộ dân tại làng mai vàng cổ thụ Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ông Lê Văn Tý, trưởng ban đại diện làng mai này cho biết, hiện làng mai có trên 500 cây mai vàng cổ thụ với tuổi đời trên 100 năm tuổi. Do ảnh hưởng thời tiết thất thường nên tỷ lệ mai nở sớm khoảng 25-30%/cây, chắc chắn sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho người trồng mai trong việc kinh doanh dịp Tết này. Theo kinh nghiệm dày dặn trong nghề trồng mai của ông Nguyễn Hồng Sơn (cũng ngụ tỉnh Vĩnh Long), tình trạng mưa kéo dài nhiều ngày, rồi đột ngột xuất hiện nắng gắt, khiến cho cây hoa mai bị sốc nhiệt nên dễ nở hoa sớm. Theo đó, cây mai sẽ khó hồi phục để có thể ra hoa chất lượng trong dịp Tết, cho dù nhà vườn phải tốn thêm chi phí hái nụ, bón thêm phân, thuốc.
Căn cứ tình hình thực tế cho thấy, tình trạng hoa mai nở sớm hầu như diễn ra rộng khắp ở các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… Ông Đỗ Hiến Pháp (ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) từng nổi tiếng khắp vùng vì sở hữu vườn mai với hàng chục gốc mai trị giá vài chục triệu. Năm nay cũng đành miễn cưỡng hái lá mai từ trung tuần tháng 11 do “chưa chi đã thấy nụ hoa ra tua tủa. Năm nay đành đón Tết mà không có sắc mai rực rỡ như mọi năm. Không chỉ tính về lợi ích kinh tế, mà còn lo sẽ ảnh hưởng trong cuộc sống vì đã quen với quan niệm đón xuân có mai vàng là được may mắn cho cả năm mới sắp tới”.
Bích Vân
Bình luận (0)