Tích cực ngăn ngừa tình trạng đuối nước và có biện pháp cứu chữa kịp thời sẽ kéo giảm được những cái chết thương tâm của con người đặc biệt là các em nhỏ ở vùng sông nước và địa phương thường xuyên có lũ lụt. Đó là thông điệp của Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em do Ban An toàn giao thông TP.HCM vừa tổ chức.
Dạy trẻ học bơi và các kỹ năng an toàn khi bơi là rất cần thiết |
Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam trong thời gian gần đây, tình hình trẻ em đuối nước đã giảm so với trước nhưng vẫn còn cao.
Nỗi đau cho toàn xã hội
Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối rất thương tâm, nghĩa là mỗi ngày trung bình có khoảng 9 trẻ tử vong vì nước. Ngoài trẻ em tự đuối nước do sơ ý hay bất cẩn của cha mẹ, nhiều trẻ còn bị tử vong một lúc do vội vàng nhảy xuống sông hồ cứu bạn mà không biết được hậu quả vô cùng nguy hiểm. Đó là câu chuyện thương vong của nhóm 5 học sinh ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vào chiều 4-7-2016. Do vội vàng cứu 2 bạn trai bị hụt chân xuống hố nước sâu mà sau đó 3 em cũng bị ngã xuống do đưa tay ra cứu cùng một lúc. Đó cũng là nỗi đau của 2 gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội) khi để mất 2 đứa con trai do bị chuột rút khi đi tắm sông.
Không chỉ ở những vùng sông nước mênh mông mà ngay ở những bể bơi công cộng có người giám sát mà tình trạng học sinh đuối nước vẫn xảy ra thường xuyên. Đó là em Nguyễn Anh Đức – 10 tuổi đến học bơi tại Trường CĐ nghề Công nghệ Hà Tĩnh và mãi mãi không về nhà vì chết ngạt dưới hồ bơi mà không ai hay. Có thể thấy một thực tế là trẻ nhỏ rất dễ gặp nạn dưới ao hồ nếu ra tắm một mình và thiếu người lớn kiểm soát. Những vùng sông nước và hay bị lũ lụt luôn có nguy cơ đuối nước rình rập cho bất cứ trẻ nhỏ nào dù biết bơi hay không. Vì thế chỉ cần một chút sơ sẩy là nỗi đau ập đến.
Không thiệt hại nếu cứu chữa kịp thời
Về khái niệm đuối nước, theo y học bất kỳ một chất lỏng nào khi xâm nhập vào đường thở làm cản trở sự hô hấp gọi là đuối nước. Đuối nước dẫn đến thiếu ôxy cung cấp lên não nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bất tỉnh, chết hoặc để lại di chứng não nặng nề. Lúc đó trẻ ngừng thở và nhịp tim chậm lại do phản xạ. Không chỉ não thiếu ôxy mà nhịp tim tăng, huyết áp cao và làm máu tan. Cơn ngừng thở kéo dài từ 2 đến 5 phút dẫn đến nước tràn qua nắp thanh quản và gây co thắt. Khi nước chảy tràn vào phế nang gây rối loạn nhịp tim, ngừng tim và cuối cùng là tử vong. Khi trẻ em bị đuối nước, do đặc điểm sinh lý và sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở trong thời gian ngắn. Nếu không can thiệp kịp thời và chính xác thì nguy cơ tử vong rất cao.
“Thường xuyên có ý thức, tổ chức tuyên truyền phổ biến các kiến thức cơ bản tới từng gia đình, địa phương về nguy cơ đuối nước cách phòng tránh. Đồng thời, sơ cứu đúng để giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức thay đổi thái độ hành vi để cùng chung tay hành động phòng tránh đuối nước cho trẻ em” – ông Nguyễn Văn Tính phổ biến. |
Ông Nguyễn Văn Tính – Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) nhắc nhở, trẻ em không như người lớn thường hiếu động, tò mò, thích chơi với nước, thấy nước là ham muốn nhảy vào nghịch với nước. Trong lúc đó các bé lại ngây thơ, hồn nhiên chưa ý thức được sự nguy hiểm đang chờ chực xung quanh, có cơ hội là tấn công trẻ. Nhưng nguyên nhân trẻ đuối nước còn do “tội” của người lớn vì bất cẩn chủ quan thiếu kỹ năng chăm sóc và trông nom trẻ. Một số người vì ham công tiếc việc dễ bỏ quên trẻ nên hậu quả xảy ra mới hối hận nhưng lúc đó không kịp nữa. Nhiều nơi nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có tập quán dựng nhà sống gần ao hồ sông ngòi, không có rào chắn biển báo nguy hiểm. Các tỉnh miền Trung lũ lụt xảy ra bất ngờ hoặc thường xuyên đã làm tăng nguy cơ đuối nước.
Theo ông Tính, khi phát hiện trẻ đuối nước phải hô hoán mọi người biết để tới hỗ trợ nhanh để vớt lên. Nếu không biết bơi thì không nhảy xuống nước để loại trừ nguy hiểm cho bản thân. Sau khi tách trẻ ra khỏi tác nhân gây đuối nước thì khẩn trương tiến hành sơ cứu. “Thuyền tam bộ nhị” xuống nước phải có 2 người để tránh hiểm họa dưới nước. Hướng dẫn trẻ không chơi những nơi gần nước như sông hồ ao đầm, không rủ nhau đi bơi khi không có người lớn. Ông bà ta thường nói: “Có phúc đẻ con biết lội”. Dạy trẻ học bơi và các kỹ năng an toàn khi bơi, hướng dẫn cho trẻ cách sơ cấp cứu nếu chẳng may bị đuối nước. Sử dụng phao cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy. Một số cách sơ cứu thiếu cơ sở khoa học cần phải tránh như: sốc nước, hơ lửa, thổi ngạt và ép tim không đúng cách hoặc quá chậm trễ. Cứu người đuối nước phải nhanh nên không được làm chậm trễ thời gian cấp cứu thổi ngạt ngay tại chỗ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)