Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người chằm nón lá một tay

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 40 năm gắn bó với nghề chằm nón lá, thương hiệu nón của chị không chỉ được nhiều người dân trong nước mà còn có du khách đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới biết đến, tìm đến tận nơi mua. Điều đặc biệt, những chiếc nón bài thơ xứ Huế duyên dáng ấy là sản phẩm từ một cánh tay trái của người phụ nữ tên Trần Thị Thúy làm nên…

Với một cánh tay trái lành lặn, gần 40 năm qua chị Thúy đã làm nên thương hiệu nón Thúy ở Huế

1. Nhắc đến Huế, nhiều người nghĩ ngay đến xứ sở của những chiếc nón bài thơ với những làng nón làm nên tên tuổi nghề truyền thống ở đất Thành kinh. Nhưng ít ai biết rằng, ở làng nón Phủ Cam ngay trong lòng thành phố Huế, có một người suốt gần 40 năm cuộc đời, miệt mài chằm nên những chiếc nón bài thơ tinh xảo, nổi tiếng khắp nơi chỉ từ một cánh tay trái. Câu chuyện về chị Trần Thị Thúy – người chằm nón lá một tay được nhiều người biết đến. Nằm tận sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, ngôi nhà nhỏ của chị vẫn luôn rộn rã tiếng cười, rộng cửa đón khách thập phương tìm đến mua nón và chiêm ngưỡng cánh tay tài hoa của chị.

Câu chuyện nghề của chị như duyên tiền định. Cất tiếng khóc chào đời, chị kém may khi cánh tay phải cụt mất một nửa bẩm sinh. Chị đến trường bằng cánh tay trái nắn nót con chữ trên trang giấy trắng. Lên 10 tuổi, thấy mẹ chằm nón, chị cũng mày mò làm theo. “Nhiều lúc kim đâm rớm máu cánh tay cụt, đâm luôn vào mấy ngón tay đang cầm kim, nhưng lâu quen dần”, chị kể. Sau mấy tháng kiên trì với không biết bao nhiêu lần mẹ chị lén lau nước mắt vì thương con, chiếc nón đầu tiên cũng hoàn thành, được nhiều người khen đẹp. Chị gắn bó với nghề chằm nón từ đó.

Chị cho biết, vào thời buổi khó khăn, khi mẹ chị chằm nón thuê, chị cũng theo mẹ làm việc nhưng nhiều người lắc đầu, mãi sau thấy sản phẩm chị làm cẩn thận và đẹp họ mới đồng ý. Theo chị, muốn có chiếc nón đẹp phải tỉ mẩn từ khâu chọn lá, ủi chuốt lá cho đến việc chọn các nan tre. Đặc biệt, các mũi kim phải thật đều nhau và tinh xảo, tránh những mũi kim thô mới cho ra sản phẩm hoàn hảo. Ban đầu chị chằm một tay nên rất chậm, sau cánh tay cụt cũng quen dần với việc hỗ trợ cho tay trái trong cố định vành để mũi kim đi đúng, rồi cả việc xâu kim. Mỗi ngày chị chằm được 2 chiếc nón. Mỗi chiếc có giá 60 ngàn đồng, trừ 20 ngàn vốn, số còn lại lấy công làm lãi. Đã gần 40 năm trôi, chị sống bằng nghề như thế!

2. Nghề nón ở làng Phủ Cam hưng thịnh một thời, nhất là khi nền nông nghiệp phát triển mạnh, nhưng cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều phương tiện khác ra đời, sản phẩm của làng nón lá bị “co” dần trước sức cạnh tranh của thị trường và “co” cả ngay trong số người làng làm nghề, giữ nghề. Người chằm nón dù khéo tay đến đâu cũng trở nên yếu thế trước nhu cầu ngày càng ít đi của người sử dụng. Nhưng vào thời điểm khó khăn nhất đó, chị Thúy vẫn quyết tâm giữ nghề. Nhận thấy khách du lịch có nhu cầu nhiều hơn, chị chuyển từ chằm nón bình thường (thông thường dùng cho bà con đội nắng) sang chằm nón bài thơ. Chị kể: “Xưa chằm nón thường thì không chú trọng lắm trong việc chọn lựa lá, nhưng sau này khi du khách thích nón bài thơ, thì phải thật kỹ càng trong khâu lựa chọn”. Đó là vào khoảng những năm 2000 trở về sau này, khi du lịch mở cửa, nhiều du khách tìm về các làng nghề truyền thống. Thấy nón chị chằm đẹp, có khách Tây còn yêu cầu chị thêu cả tên lên nón để họ mang về. Chính chị không biết rằng, thương hiệu nón Thúy một tay được ra thế giới từ ngày đó. Sau này, nhiều khách nước ngoài tìm đến, có người trở lại đến vài lần cũng chỉ để ngồi xem chị chằm nón lá.

Cuộc sống của chị từ đó đỡ nhọc nhằn hơn. Chị nghĩ ra cách cắt hình chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền… lồng vào giữa hai lớp lá để tạo hình trang trí cho nón bài thơ. Chị bảo, để làm được chiếc nón như vậy rất kì công, đòi hỏi lá phải cắt thành hình tam giác, sắp lên vành nón để làm sao khi chằm xong, chiếc nón đưa lên dưới ánh sáng có thể đọc hoặc nhìn được rõ ràng các hình, chữ đã tạo trong đó. Khách Tây mê cũng vì thế! 

Năm 2004, chị đại diện nghề truyền thống Việt Nam tham gia Lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản. Ngoài ra, chị vinh dự được mời tham gia nhiều sự kiện văn hóa – du lịch trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Cũng hơn chục năm nay, mỗi tháng căn nhà nhỏ của chị đón trên dưới vài chục lượt khách quốc tế tìm về. Giữa câu chuyện về làng nón, nghề nón, chị vẫn miệt mài từng mũi kim chằm đền đặn trên khuôn nón lá đang dần thành hình hài. Chị bảo: “Mình chỉ một tay, chọn được nghề yêu thích để kiếm sống cũng là hạnh phúc, huống chi sản phẩm của mình được du khách khắp nơi biết đến. Rứa là nghề nón Phủ Cam không lo mai một”. Trong ánh mắt biết cười của chị, dường như nghề nón lá ở đất cố đô đang rộn những giai điệu vui trở lại khi tìm được hướng tồn tại, phát triển mới!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)