“ATGT – Hạnh phúc của mọi nhà” năm 2016 là cuộc thi trực tuyến do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Nahi tổ chức, nhằm trang bị kiến thức về Luật Giao thông, cũng như xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi và cộng đồng nói chung.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các thí sinh đạt giải |
Thu hút hơn 55.000 người tham gia
Với sự hỗ trợ, tư vấn của Ban ATGT TP.HCM, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, Cuộc thi trực tuyến “ATGT – Hạnh phúc của mọi nhà” năm 2016 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng ngàn đoàn viên, học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Với quy mô 4.800 câu hỏi có nội dung về Luật Giao thông đường bộ, cuộc thi được phát động từ ngày 18-9-2016 và được tổ chức thành 6 chặng, mỗi chặng có chủ đề và thử thách khác nhau. Với cách chơi được thiết kế có mức độ khó tăng dần, cùng hình ảnh trực quan sinh động và vui nhộn, sân chơi trực tuyến này giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nội dung của Luật Giao thông đường bộ, các biển báo giao thông, cũng như những nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Khép lại mùa thi năm 2016, cuộc thi đã ghi nhận những con số ấn tượng như 93.000 người biết đến cuộc thi, 55.000 người tạo tài khoản Nahi và tham gia cuộc chơi, 280.000 lượt chơi.
Trong năm 2017, các thí sinh có thể tiếp tục đăng ký tham gia thi trực tiếp và hoàn toàn miễn phí trên các website của chương trình tại địa chỉ: www.thanhphotoiyeu.net hoặc www.nahi.vn để vừa được vui chơi, giải trí, vừa góp phần nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và có thể sở hữu những giải thưởng ý nghĩa và hấp dẫn. |
Kết quả chung cuộc, vào ngày 28-12-2016, Ban tổ chức đã trao giải cho 10 người chơi chiến thắng toàn cuộc thi và 16 người chơi thắng ở các chặng 3, 4, 5, 6. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 3 đơn vị có đông thí sinh tham gia và giành chiến thắng tại cuộc thi. Giải nhất thuộc về Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đoàn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đạt giải nhì và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đạt giải ba.
Xuất sắc đạt giải nhất toàn cuộc thi và giải cá nhân chặng 6 là em Nguyễn Vũ Khánh (sinh viên năm 2, Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM). Khánh khẳng định: “Cuộc thi trực tuyến với hình thức trắc nghiệm này là cơ hội thử sức và đặc biệt đem nhiều lợi ích thiết thực cho thanh niên. Qua đó giúp em cũng như các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên củng cố kiến thức về Luật Giao thông, cập nhật được hệ thống biển báo và các quy định xử phạt hiện hành. Đặc biệt giúp chúng em ý thức hơn việc chấp hành Luật Giao thông, góp phần làm lan tỏa cách ứng xử giao thông tích cực trong nhà trường và cộng đồng”.
Không chỉ gói gọn trong sân chơi online, cuộc thi còn hướng đến các điểm trường như Ngày hội chào đón tân sinh viên 2016 tại ĐH Quốc gia TP.HCM (ngày 30-10-2016), ĐH Kinh tế – Luật (ngày 12-11-2016), Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) nhằm lan tỏa hơn nữa về một sân chơi bổ ích đến đông đảo đoàn viên, học sinh, sinh viên.
Sẽ nhân rộng mô hình ở TP.HCM và các tỉnh thành
Đó là khẳng định của chị Trần Thu Hà, Phó ban Mặt trận – An ninh quốc phòng – Địa bàn dân cư, Phó Ban tổ chức cuộc thi. Chị Hà lưu ý, trước đây công tác tuyên truyền thường được tổ chức với hình thức báo cáo viên, thì đây là lần đầu tiên Thành đoàn phối hợp với Công ty cổ phần Nahi tổ chức một hình thức tuyên truyền mới là cuộc thi trực tuyến với thiết kế khá sinh động, hấp dẫn. Qua đó giúp cho cuộc thi có khả năng lan tỏa trong cộng đồng nhiều hơn, nhất là các bạn trẻ.
Chị Trần Thu Hà cho biết, Thành đoàn TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động offline, nghĩa là tổ chức các hoạt động, sân chơi, các cuộc thi nhỏ tại các cơ sở Đoàn, trường học, khu dân cư lao động, các khu lưu trú, khu công nghiệp – khu chế xuất, góp phần tuyên truyền kiến thức về ATGT một cách rộng khắp ở TP.HCM. Bên cạnh đó, Thành đoàn cũng sẵn sàng hỗ trợ tổ chức mô hình trên tại các tỉnh thành có nhu cầu. |
Tham gia cuộc thi này, các bạn trẻ có thể tham gia một cách dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng internet và các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, iPad, laptop, máy vi tính. Qua đó tạo ra phản xạ tự nhiên để người tham gia có thể áp dụng những kiến thức đó trong cuộc sống hàng ngày mỗi khi tham gia giao thông trên đường.
Từ tính khả dụng của cuộc thi này, chị Hà mời gọi các trường học nên tổ chức cuộc thi tại đơn vị mình, nhằm vừa tạo sân chơi cho đoàn viên, thanh niên, vừa góp phần thực hiện công tác giáo dục pháp luật về ATGT cho các em. Chị khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì cuộc thi này, nhằm giúp cho các đơn vị cơ sở có một kênh để tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật về ATGT. Theo đó, các đơn vị có thể tận dụng mô hình này để tổ chức cuộc thi tại đơn vị mình, hoặc tổ chức các chương trình tư vấn, tuyên truyền pháp luật về giao thông cho đoàn viên, học sinh, sinh viên của đơn vị mình”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)