Với cước phí 4.000 đồng/km, dịch vụ “xe ôm soái ca” của nhóm sinh viên ở làng đại học Thủ Đức đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho nhiều bạn trẻ tại đây.
Vừa giúp đỡ các bạn vừa kiếm thêm thu nhập
Nhắc đến nghề xe ôm, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi, đen nhẻm ngồi nơi góc đường chờ khách. Song, khi gặp gỡ nhóm “xe ôm soái ca” tôi lại khá ngạc nhiên bởi bề ngoài mang đậm phong cách phượt thủ và rất “chất” của các bạn.
Chia sẻ về công việc của mình, trưởng nhóm Nguyễn Văn Hiếu (22 tuổi), sinh viên ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: “Thật ra công việc chạy xe ôm bắt đầu một cách rất ngẫu nhiên. Hôm đó mình đang online thì thấy có một bạn nữ đăng trong group kí túc xá là cần người chở đi công việc. Vì cũng trễ nên bạn đó ngại bắt xe ôm ngoài. Sẵn đang rảnh nên mình nhận chạy luôn. Sau đó mình để ý thấy nhiều bạn cũng có nhu cầu đi lại như vậy nên mới thành lập nhóm xe ôm chuyên đưa đón sinh viên trong làng đại học.”.
Hiếu kể, Ban đầu việc kêu gọi các thành viên tham gia cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều bạn đáp ứng được lịch học thoải mái, nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chí của nhóm như: có bằng lái xe, ý thức chấp hành luật giao thông, có sức khỏe tốt và “phải rành đường”.
Bạn Nguyễn Văn Duy Khánh (22 tuổi), sinh viên ĐH Hutech TP.HCM, chia sẻ: “Sau khi kết thúc vài học phần trên lớp, mình có một khoảng thời gian rảnh rỗi nên lên mạng tìm việc làm thêm. Đọc được bài đăng tuyển thành viên cho nhóm xe ôm của Hiếu nên mình đăng ký tham gia. Công việc chỉ đòi hỏi các thành viên phải có xe và điện thoại, còn thời gian được chủ động nên tiện cho mình khi vừa học, vừa làm”.
Theo Khánh, cái khó để làm tài xế là phải thông thuộc nhiều đường đi tại Sài Gòn, sao cho quãng đường nhận, trả khách là gần nhất sẽ tiết kiệm được tiền xăng xe. Cậu bạn cũng vui vẻ cho biết nghề này giống như mình cho người ta đi nhờ xe rồi chia tiền xăng, vì trên đường đến trường, đi về nhà, hay đi chơi cũng dễ dàng bắt khách. Trung bình mỗi ngày bạn chở được khoảng 5 đến 6 khách, thu nhập cũng gần 100.000 đồng.
Giải thích về mức phí dịch vụ, Hiếu cho biết, nhóm quy định tính giá 4.000 đồng/km. Đó là mức giá khá rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên, vì đối tượng khách của các bạn “chỉ là sinh viên” mà thôi.
Với Hiếu và các thành viên trong nhóm, công việc này vừa có thể giúp đỡ được nhiều bạn có nhu cầu đi lại nhưng ngại việc bắt xe ôm bên ngoài, vừa có thể kiếm thêm thu nhập cho chính mình.
Những kỷ niệm không bao giờ quên…
Mỗi thành viên trong nhóm khi đến với nghề chạy xe ôm cũng đều gặp những trở ngại không nhỏ: Bị gia đình, bố mẹ phản đối, cấm đoán, những ánh mắt dị nghị, trêu cười của mọi người, những lời nói không hay,… Nhưng vượt qua tất cả những điều ấy, nghề chạy xe ôm vẫn trở thành niềm vui hay thậm chí còn là sở thích đối với nhiều bạn.
Hiếu tâm sự: “Ba mẹ không muốn mình đi làm thêm để tập trung vào việc học, vì năm nay cũng là năm cuối rồi. Nên mình cũng chưa cho ba mẹ biết về công việc chạy xe ôm hiện tại. Có thể sau này ra trường mình sẽ theo đuổi đam mê riêng, nhưng mình vẫn muốn sẽ giữ được nhóm xe ôm này và sẽ luôn cố gắng giúp đỡ các em thành viên trong nhóm”.
Tiếp lời Hiếu, bạn Duy Khánh kể về một kỷ niệm khi chạy xe ôm: “Hôm đó cũng khuya rồi, có bạn nữ đặt chuyến đi đến Bến xe Miền Đông, sau khi thỏa thuận giá thì mình đến điểm hẹn đón bạn. Nhưng gọi hoài không thấy ai bắt máy, đến lúc sau lại còn khóa máy luôn. Mãi sáng mai bạn đó mới gọi lại nói hôm qua điện thoại hết pin”.
Song, bên cạnh những lần “đón khách hụt” như vậy thì vẫn có nhiều bạn tin tưởng và trở thành khách ruột của nhóm. Thậm chí, đã từng có nhiều cặp đôi nên duyên nhờ dịch vụ “xe ôm soái ca” này.
Tính đến thời điểm hiện tại thì dịch vụ “xe ôm soái ca” đã hoạt động được gần 2 năm. Và trong thời gian đó, có rất nhiều những kỷ niệm vui, buồn mà theo lời Hiếu thì “có lẽ chẳng bao giờ quên được, vì đó là những ngày tháng đẹp nhất của thời sinh viên”..
Các bạn xứng đáng với danh xưng “xe ôm soái ca”!
Bạn Mai Thị Thanh Xuân (21 tuổi), sinh viên ĐH KHXH và NV vui vẻ cho biết: “Mình rất thích dịch vụ xe ôm này. Các thành viên ai cũng vui vẻ và cực kỳ ga lăng với con gái, xứng đáng được gọi là “xe ôm soái ca”. Thêm nữa là mức giá rất rẻ, tiện lợi, thời gian có thể chủ động được. Và khi đi với các bạn cùng là sinh viên thì mình cảm thấy an toàn hơn nhiều”.
Hầu hết bạn bè khi nhắc đến các thành viên trong nhóm xe ôm đều dùng những từ như: học giỏi, tính tình vui vẻ, hòa đồng. Đặc biệt, Văn Hiếu còn là tay ảo thuật đường phố khá nổi tiếng tại khu vực làng đại học. Cậu bạn vừa cười vừa gãi đầu nói: “Vì tụi mình đều là sinh viên nên hiểu được việc bỏ một số tiền lớn ra cho việc đi lại thì tiếc lắm. Tự nhiên được gọi là soái ca, cũng vui vui mà ngại”.
Cậu bạn Duy Khánh cũng không kém, khi là chủ nhiệm CLB X-Storm (CLB Patin ĐHQG TP.HCM) với hơn 70 thành viên. Và đã đạt được rất nhiều các giải thưởng như: Giải Khuyến khích Giải đua Roller Sports TP.HCM mở rộng 2016, Giải Nhất đơn nam Slalom, Giải Tư đơn nam Slide và Giải Khuyến khích đồng đội thuộc Giải đấu GOX SERIES: STARTER 2016…
Ngoài ra, hai bạn nói thêm, sẽ luôn sắp xếp thời gian biểu hợp lý và các thành viên trong nhóm sẽ luân phiên thay đổi lịch chạy xe để không ảnh hưởng đến việc học.
Làm một công việc mới lạ với tinh thần hào hứng, nhiệt huyết, các thành viên của dịch vụ “xe ôm soái ca” đang dần thay đổi suy nghĩ của mọi người về nghề xe ôm. Bởi ẩn sâu trong đó là sự nỗ lực, cố gắng kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.
Hình ảnh Sài Gòn hoa lệ vốn ồn ào, náo nhiệt cũng trở nên mới mẻ, sâu lắng và thân thiện hơn.
Lưu Trân (TNO)
Bình luận (0)