Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình Phước phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tạp Chí Giáo Dục

Tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ từ năm 1997, kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Phước đến nay đã đạt được những chỉ số tăng trưởng rõ rệt nhưng quy mô còn quá nhỏ bé so với người anh em Bình Dương và nếu chọn phát triển các khu công nghiệp để đi lên thì e rằng phải đợi rất lâu và không còn cơ hội phát triển trong khi nông nghiệp vốn là lợi thế so sánh và vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, Bình Phước đang chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) như là một giải pháp có tính đột phá mở ra triển vọng cho sự phát triển một nền nông nghiệp sạch, có giá trị cao, bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trái ngọt đầu mùa

Trung tâm NNCNC tỉnh Bình Phước mới được hình thành từ Trung tâm Giống nông lâm nghiệp vào tháng 7-2016 nhưng đã được tỉnh chủ trương phát triển thành một Ban quản lý NNCNC nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, trung tâm đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới và rau xà lách với nguồn giống được nhập từ Hà Lan, chu kỳ sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Điểm đặc biệt, mặc dù giống có nguồn gốc từ xứ sở ôn đới nhưng tại Bình Phước, nơi có khí hậu cận nhiệt đới, có không khí trong lành, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm lại ứng dụng công nghệ nên cây trồng vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao.

Trong thời gian thử nghiệm, trung tâm đã tổ chức gieo trồng dưa lưới thủy canh và xà lách trên diện tích 1.000m2,; năng suất dưa đạt bình quân 3,5 tấn/vụ (mỗi vụ 70 ngày), giá bán ngay tại chỗ là 38.000 – 40.000

đồng/kg, lợi nhuận ròng đạt khoảng 50% và rau xà lách thủy canh cũng cho kết quả đáng mừng với chu kỳ sinh trưởng trong 25 ngày/vụ, trọng lượng mỗi cây đạt từ 130 – 150g với lợi nhuận đạt khoảng 30%. Toàn bộ được thực hiện theo công nghệ của New Zealand, trong đó màng ni-lông được nhập từ Bỉ có tuổi thọ 5-6 năm cùng công nghệ tưới phun sương nhỏ giọt vào gốc như của Israel. Điểm chung của hoạt động sản xuất này là đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong toàn bộ quy trình sản xuất. Sau thành công ban đầu, trung tâm đang hợp tác với HTX Nguyên Khang mở rộng diện tích  dưa lưới lên thêm 2.000m2 và diện tích xà lách lên 4.000m2 .

 Hiện sản phẩm rau, dưa thủy canh trên địa bàn tỉnh Bình Phước được các siêu thị Aeon, Lotte, Co.opmart và hàng loạt siêu thị lớn tại Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng không đủ để cung ứng. Giá bán dưa lưới cho các siêu thị dao động từ 38.000 – 40.000 đồng/kg, trong khi rau xà lách bán với giá 8.000 đồng/cây. Nếu tính vốn đầu tư ban đầu khoảng 350 – 400 triệu/1.000m2 thì chỉ sau khoảng 3 năm là có thể thu hồi vốn và tái đầu tư.

Thu hoạch rau xà lách thủy canh ở HTX Nguyên Khang

Với cây bơ, HTX bơ sáp Mã Dưỡng đã tự tuyển giống và trồng thành công mô hình trồng bơ sạch với diện tích trồng ban đầu khoảng 10ha (tại huyện Phú Riềng) cho năng suất cao và cho trái lớn, chất lượng ngon không thua kém bơ Đắk Lắk hay Đà Lạt và có thể điều khiển mùa vụ theo ý muốn. Một đối tác từ Israel đã đặt vấn đề chào mua độc quyền nguồn giống, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu nhưng chưa được HTX đồng ý. Theo ông Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm NNCNC Bình Phước, một số đối tác Nhật Bản cũng đã liên hệ để hợp tác sản xuất bơ khép kín theo mô hình công nghệ cao từ trồng đến sau thu hoạch bơ nhưng lại cần diện tích lớn khoảng 1.000ha nên chưa thể triển khai được.

Nhân rộng các mô hình

Việc trồng thành công mô hình sản xuất dưa lưới, xà lách, bơ sáp theo mô hình công nghệ cao đã được Trung tâm NNCNC tỉnh Bình Phước chuyển giao cho một số HTX, hộ nông dân trong tỉnh và một số địa phương như Quảng Trị, Đắk Nông thực hiện. Tỉnh đã giao cho HTX Nguyên Khang 10ha ở Trung tâm NNCNC để làm mô hình điểm nhân rộng ra. Ngoài dưa lưới, xà lách, bơ thì một cây trồng chủ lực của tỉnh là cây điều đã được trung tâm tuyển chọn xong bộ giống gồm 5 giống điều địa phương có khả năng thích nghi với thời tiết, cho chất lượng – năng suất cao và trong năm 2016 đã chuyển giao cho nông dân 10.000 cây giống.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2025, định hướng của tỉnh là phải tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác đạt khoảng 15% – 30% diện tích; tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu và một số loại rau củ quả để cung ứng cho các tỉnh lân cận trong đó có TPHCM.   

Tuy nhiên, một khó khăn lớn của ứng dụng mô hình sản xuất NNCNC hiện nay là vốn đầu tư lớn, phụ thuộc nguồn giống của nước ngoài. Để đầu tư một nhà màng có diện tích khoảng 1.000m2 để trồng dưa lưới thủy canh với đầy đủ hệ thống tưới tiêu cùng các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt thì nguồn vốn tối thiểu là 350 – 400 triệu đồng và với rau xà lách thủy canh là 1 – 1,5 tỷ đồng, tùy theo công nghệ sử dụng. Với suất đầu tư cao như vậy thì phần lớn hộ nông dân chưa thể triển khai được.  

Do đó, để mở rộng mô hình NNCNC tại Bình Phước cần phải chọn lựa công nghệ có giá thành hợp lý để chuyển giao cho nông dân và về phía các ngân hàng thương mại cần có các gói tín dụng phù hợp cho loại hình nông nghiệp này thì việc chuyển đổi từ nông nghiệp quảng canh, phập phù về giá cả sang mô hình NNCNC gắn với thị trường mới thành công

VĂN PHONG – XUÂN TRUNG

(SGGP)

 

Bình luận (0)