Với quy chế tuyển sinh thoáng như hiện nay thì việc trúng tuyển đại học không quá khó. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây ngày càng có nhiều sinh viên ngay từ năm nhất bị buộc thôi học vì điểm kém.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM. Nhiều thí sinh khi trúng tuyển chưa lường được những khó khăn khi học ĐH. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Khoảng 30% bỏ cuộc giữa chừng
Sau mỗi học kỳ, các trường ĐH đều công bố danh sách dài những sinh viên (SV) bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học vì điểm kém. Con số này sau học kỳ 2 năm học vừa rồi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lên tới trên 600 SV. Trường ĐH Luật TP.HCM vừa công bố danh sách hơn 230 SV dự kiến bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ và đình chỉ một năm cũng vì lý do này. Năm 2016, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ký quyết định buộc thôi học gần 1.000 SV sau 3 lần cảnh báo học vụ liên tiếp.
Quá trình xét duyệt được các trường thực hiện theo từng học kỳ, kết thúc khóa học, số SV bị đuổi học lên tới cả ngàn người ở mỗi trường. Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tỷ lệ “rơi rụng” mỗi khóa lên tới 30%. Với hơn 4.000 SV nhập học sẽ có khoảng 1.200 SV không thể tốt nghiệp. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, với khoảng 15 – 20% SV bỏ cuộc mỗi khóa, thì số lượng này có khi lên tới 1.000 người. Tương tự, thống kê tại Trường ĐH Mở TP.HCM cũng cho thấy chỉ còn 70 – 72% SV tốt nghiệp, thậm chí có ngành tỷ lệ này chỉ đạt trên 60%.
Tỷ lệ này ở trường ngoài công lập còn cao hơn nhiều. Theo số liệu công khai về chất lượng đào tạo thực tế đăng tải trên website một trường ĐH tại TP.HCM, cuối năm 2011, trường này chỉ có 1.758 SV tốt nghiệp trong số 3.120 SV nhập học (đạt tỷ lệ 56%). Đáng chú ý, trong số 3.556 SV CĐ hệ chính quy nhập học khóa 2009 – 2012 chỉ có 449 tốt nghiệp, với tỷ lệ 12%.
Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, số SV bỏ học sau năm thứ nhất khá nhiều và nhiều nhất trong các năm. Những SV vượt qua được năm thứ nhất thì sẽ dễ dàng vượt qua các năm sau đó. Chỉ sau năm đầu tiên này, tỷ lệ bỏ học có thể lên tới 15% trên tổng số nhập học.
Chuyển ngành học khác
Phát biểu trong hội nghị công tác SV năm 2017 do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức vừa qua, bà Phạm Thùy Trang, Phó trưởng khoa Xã hội học trường này, cho biết sau năm đầu tiên SV lên khoa xin chuyển ngành khá nhiều. Ví dụ khóa 2016 có tới mười mấy người nộp đơn. So với tổng số SV trung bình mỗi khóa từ 120 – 180 SV của khoa, tỷ lệ này khoảng trên dưới 10%. Bà Trang cũng nói, khi hỏi nguyên nhân chuyển ngành, các SV đều cho rằng ngành đã trúng tuyển không phù hợp. Từ đó bà Trang đặt vấn đề: “Có thể phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy các môn đại cương để hấp dẫn SV hơn. Vì mới chỉ sau một năm học các môn này mà nhiều SV đã thấy ngành học không phù hợp thì có thể đã có ảnh hưởng từ các môn học này?”.
Tỷ lệ SV bỏ học sau năm nhất tại Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định khoảng 10 – 12%. Con số này ở một trường ĐH ngoài công lập khác trong 3 năm trở lại đây là 8 – 10%. Trong đó, SV chuyển ngành chỉ 1%, bảo lưu 2 – 3%, còn lại là nghỉ học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng tỷ lệ SV bỏ học sau năm đầu tiên ở bậc CĐ khoảng 25%, bậc ĐH sau năm nhất thấp hơn, nhưng SV chuyển ngành, đăng ký học thêm ngành thứ 2 thì khá nhiều.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng với những trường nghiêm túc thì đây được xem là siết chặt quá trình đào tạo để có đầu ra chất lượng. Tuy nhiên, mặt khác cũng cho thấy chất lượng đầu vào cũng là một yếu tố dẫn đến việc nhiều SV bị buộc thôi học do điểm tích lũy quá thấp. Thực trạng này phản ánh việc trúng tuyển ĐH và theo đuổi được việc học là hai vấn đề khác nhau.
Chất lượng đầu vào thấp, tuyển vượt chỉ tiêu
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định: “Đầu vào thấp nên nếu thi cử và đánh giá nghiêm túc thì người học gặp nhiều khó khăn, có thể bỏ học hoặc buộc thôi học. Nhưng do cơn khát tài chính khiến một số trường bỏ qua chất lượng để càng giữ chân nhiều SV càng tốt, trường càng có nguồn thu”.
Theo ông Vinh, có trường tốp dưới gọi thí sinh trúng tuyển với đầu vào thấp để “vét” bằng hết thí sinh, không cần biết có học được hay không rồi thu tiền học phí một năm. Cuối năm thứ nhất hoặc năm thứ hai thì gạt bớt ra cho đến năm thứ tư thì vừa chỉ tiêu được xác định theo năng lực đào tạo của trường để lấy phôi bằng. Trường hợp này không phải là giữ thước đo chất lượng mà cố giữ SV để tăng thu nguồn tài chính vừa với số chỉ tiêu đã xác định.
|
Không đủ năng lực học ĐH
Tiến sĩ Lê Chí Thông phân tích: “Có những người chọn đúng ngành học nhưng chưa đúng trường phù hợp năng lực. Ngay ở Trường ĐH Bách khoa, có không ít SV “bị dội” vì kiến thức khó của môn toán cao cấp trong chương trình học năm nhất”. Cũng theo ông Thông, cái khó ở đây còn là sự khác biệt về cách học so với bậc phổ thông. Không điểm danh, không kiểm bài thường xuyên nên SV không tự giác càng bị “đuối”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng cho rằng tỷ lệ SV ĐH bị “rơi rụng” thường do không theo kịp chương trình.
Không có phương hướng khi học ĐH
Tiến sĩ Đào Minh Hồng, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc SV bỏ học, bảo lưu, chuyển ngành nhiều từ năm thứ nhất có nhiều nguyên nhân. Trong đó, những SV giỏi thì cảm thấy thất vọng về chương trình học, một số người thì cảm thấy tự ti, bất mãn vì không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng nguyên nhân chính là SV không có phương hướng khi học ĐH. “Họ vô cùng thụ động và chịu sự chi phối của phụ huynh. Nhiều SV cho biết họ không biết làm gì trong 4 năm. Điều này thậm chí xảy ra với cả SV năm 4 gần tốt nghiệp”, tiến sĩ Hồng nhấn mạnh.
|
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)