Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vòng xoay Mỹ Thủy sắp “thoát” ùn tắc

Tạp Chí Giáo Dục

Dự kiến vào ngày 31-1-2018, hầm chui Mỹ Thủy sẽ được thông xe. Sau khi hầm chui hoàn tất, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thành quy trình lắp đặt cầu vượt để kịp đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 4 năm nay. Hai công trình này kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khu vực vòng xoay cũng như hướng ra vào cảng Cát Lái một cách hiệu quả nhất.

Hầm chui Mỹ Thủy dự kiến được thông xe vào ngày 31-1-2018

Cuối tháng 1 thông xe hầm chui Mỹ Thủy

Vào sáng 23-1, ông Lê Ngọc Hùng (Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 – Sở GT-VT TP.HCM) đã dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trường thi công hạng mục hầm chui Mỹ Thủy (thuộc dự án Nút giao Mỹ Thủy, quận 2) nhằm có bước chuẩn bị một cách chu đáo cho lễ thông xe dự kiến vào ngày 31-1 sắp tới. Qua kiểm tra, ông Hùng cho biết, các hạng mục cuối cùng đang được đơn vị thi công hoàn tất gồm thảm bê tông đường dẫn vào hầm chui, hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, lan can cầu… Bên cạnh đó, việc xử lý làm bóng bề mặt vách hầm và vệ sinh công trình cũng được thực hiện thường xuyên khá chu tất.

Theo thiết kế xây dựng, hầm chui Mỹ Thủy dài 405 mét, rộng 9 mét, trong đó có 80 mét là hầm kín, chia làm bốn đốt, cho phép xe lưu thông hai chiều. Hầm chui này chạy theo hướng từ cầu Kỳ Hà 3 xuyên dưới nút giao hiện hữu, rẽ trái đi lên đường Nguyễn Thị Định để xuống cảng Cát Lái. Khi đi vào hoạt động, các phương tiện hướng từ đường Võ Chí Công sẽ rẽ trái lưu thông theo đường hầm để vào cảng Cát Lái, góp phần giải tỏa bớt lưu lượng lưu thông qua vòng xoay Mỹ Thủy. Theo nhận định của ông Hùng, việc sớm thông xe hầm chui vừa kéo giảm ùn tắc phía trên mặt đường, đồng thời tạo mặt bằng thi công đúc các nhịp giữa cũng như lắp ráp các hạng mục khác của cầu vượt qua nút giao Mỹ Thủy. Ông Đoàn Văn Sơn (Ban Quản lý giao thông đô thị số 2) cho biết, phần khoan cọc nhồi, phần thân trụ cầu và bản mặt cầu đến nay đã được hoàn thành. Chờ đến khi hầm chui hoàn tất, việc thi công cầu vượt sẽ được tiến hành lắp đặt trước Tết Nguyên Đán. Ông Sơn lưu ý, khi hầm chui và cầu vượt làm xong, hướng lưu thông thứ nhất của các phương tiện đi qua đường Đồng Văn Cống hoặc từ trong thành phố vào cảng Cát Lái sẽ đi dưới gầm cầu hoặc đi dưới hầm chui. Còn hướng đi từ cầu Phú Mỹ vào cảng Cát Lái và đi vào thành phố thì sẽ đi trên cầu vượt.

Hầm chui Mỹ Thủy thuộc dự án Nút giao Mỹ Thủy do Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Được biết, vào đầu năm 2017, TP.HCM đã nỗ lực triển khai phương án giải tỏa ùn tắc giao thông cảng Cát Lái với tổng chi phí 34 ngàn tỷ đồng. Trong đó, công trình hầm chui và cầu vượt là những hạng mục được thành phố ưu tiên số một với góp phần khắc phục tình trạng quá tải tiếp nhận hàng hóa 47,2% ở cảng Cát Lái so với quy hoạch năm 2020. Theo kế hoạch, dự án Nút giao Mỹ Thủy được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm xây dựng các hạng mục như hầm chui cho các phương tiện giao thông rẽ trái từ đường Vành đai 2 vào đường Nguyễn Thị Định đến cảng Cát Lái, 1/2 cầu vượt chính nằm trên Vành đai 2 vượt qua đường Nguyễn Thị Định và rạch Mỹ Thủy, 1/2 cầu Kỳ Hà 3, 1 đường nhánh rẽ phải cho các phương tiện lưu thông từ cảng Cát Lái vào Vành đai 2, các đường chui dành riêng cho xe hai bánh dưới các cầu Kỳ Hà 2, Kỳ Hà 3, Mỹ Thủy. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào quý I năm 2018 với tổng kinh phí 838 tỷ đồng và giai đoạn 2 (hoàn chỉnh) với kinh phí 1.100 tỷ đồng.

Giải tỏa ùn tắc đường ra vào cảng

Là cảng chiếm 98% thị phần hàng hóa container ở khu vực phía Nam, và 50% thị phần hàng hóa container cả nước, cảng Cát Lái được xem là mạch máu kinh tế huyết mạch của TP.HCM cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc thường xuyên trên đường ra vào cảng, đặc biệt tại nút giao Mỹ Thủy đã trở thành vấn đề bức thiết trong hàng chục năm qua. Do đó, việc thông xe hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy vào cuối năm nay, sớm hơn 2 tháng so với dự kiến, là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện xây dựng cầu vượt quả là tin vui cho thành phố.

Theo dự kiến, hầm chui và cầu vượt khi đi vào hoạt động sẽ tách lưu thông trên đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định ra thành 3 luồng. Theo đó, một luồng phương tiện đi theo hướng hầm chui, một luồng lưu thông trên mặt đất và một luồng lưu thông trên cao qua cầu vượt.  Việc lưu thông theo các tầng là cơ sở nhằm loại bỏ cơ bản các xung đột giữa các luồng giao cắt và làm thay đổi cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông vốn tồn tại bấy lâu nay.

Với lưu lượng lưu thông thực tế trên tuyến đường Đồng Văn Cống trung bình mỗi ngày khoảng trên 17 ngàn lượt xe container ra vào nút giao Mỹ Thủy để vào cảng Cát Lái, riêng ngày cuối tuần có thể đạt 19 ngàn lượt phương tiện và ngày cao điểm có thể lên đến 21 ngàn lượt phương tiện. Do đó, công trình nút giao Mỹ Thủy vừa hứa hẹn kéo giảm để tiến tới khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ra vào cảng Cát Lái, vừa góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)