Nhân Tết Mậu Tuất 2018, xin kể ra những giai thoại về Danh nhân nước Việt với giai thoại về chó.
Vụ “Chó cắn hạc vua”
Vua Tự Đức (Ảnh tư liệu) |
Vua nhà Thanh (Trung Quốc) có biếu tặng vua Tự Đức một con hạc thuộc loại hiếm có. Vua Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (Hạc của vua nuôi). Thiên Tử Hạc quen hơi người nên được thả trong Vườn Thượng Uyển.
Ngày nọ, con Thiên Tử Hạc bay ra khỏi Hoàng cung. Nó lạc vào vườn một thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Vua Tự Đức thấy mất con hạc mình yêu quý, dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho thuộc cấp điều tra. Cấp dưới điều tra biết được việc chó nhà dân cắn chết hạc của vua nuôi nên đã quay về trình báo. Vua Tự Đức thấy hạc quý đã chết nên nổi giận, truyền cho Bộ Hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản.
Việc xử án của Bộ Hình được quan Ngự Sử Phạm Đan Quế (1836-1876) biết được. Sau khi xem xét các tình tiết, ông xin yết kiến vua Tự Đức và trình một bản tấu. Bản tấu ấy như sau: “Hạc chẳng biết nói/Chó không biết chữ/Hạc vào vườn dân/Chó trung với chủ/Chim, thú đánh nhau/Tối sáng không rõ/Chó cắn chết hạc/Tội quy cho chủ/Hạc mổ chết chó/Luật xử thế nào?”.
Nghe xong, Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa.
Bởi đối với vua Tự Đức, những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề Thiên Tử Hạc chó cũng không biết. Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, nên không thể bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của Bộ Hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt chủ nhân của nó là vua trị tội?
Vụ án “Chó cắn hạc vua” đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn phải được tôn trọng triệt để.
Câu đối “Chó khôn chớ cắn càn”
Khi còn nhỏ, Trạng Quỳnh (1677-1784) với tên thật là Nguyễn Quỳnh đã có khiếu thông minh.
Một hôm nhà Quỳnh có giỗ, đang làm thịt lợn. Ông Tú Cát đến chơi thấy Quỳnh đứng xem mổ lợn, liền chạy tới bẹo tai và ra cho một vế đối bảo hễ đối được mới tha.
Quỳnh xuýt xoa kêu đau và giục ra câu đối ngay.
Ông Tú bèn mượn hai quẻ trong bát quái đọc rằng:
– Lợn cấn ăn cám tốn.
Quỳnh không cần nghĩ đối luôn:
– Chó khôn chớ cắn càn.
Ông Tú chịu là giỏi, tha ngay không bẹo tai Quỳnh nữa.
Đương thời đã có câu: “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”, nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông này.
Năm 1696, Nguyễn Quỳnh thi đỗ Giải nguyên. Triều đình bổ nhiệm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), tiếp đến làm huấn đạo Phủ Phụng Thiên ở Kinh thành Thăng Long.
Năm 1718, ông đỗ khoa Sỹ vọng được bổ làm Tri phủ Thái Bình. Lúc đó là dưới thời vua Lê Ý Tông và Chúa Trịnh Cương.
Tờ trình “Thượng hạ giai cẩu”
Văn thần Phan Văn Nhã được lệnh vua Tự Đức (1829-1883) chấp bút bài văn “Ngọc Diệp” liệt kê và ca ngợi các bậc tài hoa, cành vàng lá ngọc trong triều đình. Thảo xong Phan Văn Nhã tổ chức buổi tiệc trình làng để cốt khoe khoang tài viết của mình với các quan lại.
Bài văn “Ngọc Diệp” được chuyền tay cho các quan xem. Đến tay quan Thượng thư Võ Phạm Khải, ông này liếc xem và phán một câu nặng nề: “Văn thế này thì đến chó cũng làm được”.
Phan Văn Nhã tức lên, và đôi bên hết võ mồm lại đến thượng cẳng tay hạ cẳng chân.
Sự việc đến tai vua Tự Đức. Vua Tự Đức bèn mời Cao Bá Quát (1809-1855) lên hỏi vì ông là “nhân chứng” của vụ việc.
Vì biết vua Tự Đức thích thơ nên Cao Bá Quát làm một tờ trình về vụ việc nói trên bằng… thơ: “Tiền, Quát bất tri/Hậu, Quát bất tri/Trung gian Quát chí/Đản kiến:/Thượng bàn hô cẩu/Hạ bàn hô cẩu!/Thượng hạ giai cẩu!/Lưỡng tương đấu ẩu/Thần gián bất đắc/Thần kiến thế nguy/Thần hoảng thần tẩu!”.
Dịch nghĩa: Trước Quát không biết/Sau Quát chẳng hay/Nửa chừng Quát đến/Quát thấy thế này:/Bàn trên bảo chó!/Bàn dưới bảo chó!/Trên dưới đều chó/Rồi choảng nhau luôn/Thần can chẳng bỏ/Thần thấy thế nguy/Thần sợ thần chạy!
Quan lại nhà Nguyễn (Ảnh tư liệu) |
Ông Ích Khiêm đãi các quan ăn thịt chó
Ông Ích Khiêm (1832-1884) người làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Ông đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ bảy (1847). Quan chủ khảo Vũ Duy Thanh đã quyết cho ông đỗ với lời phê rằng: “Bài này tuy lời văn không được chải chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế”.
Vua Thiệu Trị thấy một sĩ tử ở cái tuổi 15 mà đỗ đại khoa thì có ý nghi ngờ nên bèn ra lệnh “Tả lâu đài điện thí” tức là thi trước mặt vua. Ông Ích Khiêm được triệu vào cung, và ngồi vào bàn viết một hơi với đầu đề vua ra “Thiếu niên đăng cao khoa” có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Trong bài có câu vua Thiệu Trị rất tâm đắc là: “xưa nay người đỗ đạt cũng nhiều nhưng có mấy ai đem cái sở học ra phụng sự đất nước”, có ý nói là học chỉ cốt đỗ đạt mong vinh thân phì gia.
Sau này, khi ra làm quan, Ông Ích Khiêm nổi tiếng là người thông minh, chính trực. Ông còn là một vị tướng khảng khái, đầy mưu lược, có công lớn trong việc cầm quân chiến đấu để bảo vệ Huế khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào năm 1883 khi vua Tự Đức vừa qua đời.
Có giai thoại kể rằng có lần Ông Ích Khiêm đãi tiệc tại nhà và mời các bạn đồng liêu đến dự rất đông. Ông căn dặn gia nhân chỉ nấu một món thịt chó.
Trong lúc ăn, các quan mới hỏi ông rằng: “Chớ hôm nay, quan anh cho chúng tôi ăn món gì mà ngon quá vậy”.
Ông bảo đó là món thịt chó và chỉ tay vào các bàn từ bàn trên cho đến bàn dưới, bàn trong cho đến bàn ngoài tất cả đều là “chó” hết.
Các quan thấm ý, biết là Ông Ích Khiêm chửi xỏ mình nhưng không làm sao nói được.
Chưa hết, ăn xong các quan chờ hoài không thấy hầu bàn bưng nước lên. Nguyên do là do Ông Ích Khiêm đã dặn trước là phải có lệnh của ông.
Các quan hỏi sao chưa có nước uống, khi ấy Ông Ích Khiêm mới nói với xuống bếp và thét lớn: “Cha tụi bay chỉ lo ăn mà không lo nước”.
Các quan lại một phen tức giận mà không làm sao được, sau đó Ông Ích Khiêm mới cho đem nước lên.
Ông Ích Khiêm chửi các quan lại là vì lúc đó giặc Pháp đang xâm lược nước ta, quan lại triều đình Huế nhiều người lại chủ hòa để giữ lấy tấm thân mình mà không lo cho dân cho nước.
Nguyễn Văn Toàn
Bình luận (0)