Ai đã từng trải qua thời học sinh cách đây vài mươi năm hẳn không thể không nhớ đến chuyện rất buồn cười về việc học. Đó là nhiều học sinh, khi được giáo viên gọi lên bảng trả bài cũ, do thói quen học “vẹt” và vì run nữa nên không nhớ được bài. Vì vậy mà phải nhờ giáo viên “nhắc em câu đầu”.
Thí sinh thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: M.Tâm |
Sau khi được giáo viên… mào đầu, thì học sinh đọc một mạch bài học như một cái máy, song nhiều khi chẳng hiểu “mô tê” gì cả!
Nói chi xa xôi mấy mươi năm trước, vài năm mới đây thôi, khi Bộ GD-ĐT chưa thay đổi cách thi, cấu trúc đề thi và cách hỏi theo hướng gợi mở, cách học “vẹt” của học sinh qua việc dò bài ở nhà trường rất là phổ biến. Vì điểm số, vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, nên hầu hết các trường phổ thông xem việc dò bài học sinh như là một phương pháp hiệu quả nhất để có điểm tối ưu. Nhiều trường lên kế hoạch dò bài rất gắt, có cả thu phí từ phụ huynh học sinh. Hầu hết các môn, từ tự nhiên cho đến xã hội đều được dò bài, trong đó môn văn cũng không ngoại lệ. Quyết liệt nhất ở khâu này là những trường dân lập, tư thục. Nhiều trường giữ học sinh đến 11-12 giờ đêm, nếu chưa “thuộc bài” để trả xong thì chưa được về. Chấm bài tốt nghiệp THPT và cả tuyển sinh môn văn trước đây, giám khảo rất dễ bắt gặp nhiều bài làm giống nhau vì cùng… học thuộc lòng và được dò bài cùng một tài liệu!
Câu chuyện dò bài môn văn tưởng chừng đã cũ, nhất là sau những cố gắng của ngành giáo dục nhằm đổi mới toàn diện về phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Thế nhưng, đáng nói là, ngay trong thời điểm hiện tại này, việc dò bài môn văn vẫn còn tồn tại và tiếp diễn, rầm rộ nhất là những lớp cuối cấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do áp lực về điểm số, hiệu suất, chỉ tiêu thi đua, cách đánh giá giảng dạy còn quá là cứng nhắc ở nhà trường phổ thông hiện nay. Chính cách làm máy móc ấy trở thành gánh nặng hình thức đè lên vai giáo viên, và chuyển thành áp lực cho người học. Nhiều giáo viên vẫn biết rằng việc dò bài là phản phương pháp, nhưng vì những áp lực nói trên nên vẫn chấp nhận làm.
Việc kiểm tra, đánh giá ở nhà trường và các kỳ thi chung vẫn còn nhiều bất cập, tạo điều kiện cho việc học “vẹt” để dò bài. Đề thi vẫn còn đóng về kiến thức học gì thi nấy mặc dù đã có nhiều đổi mới. Nhiều tổ bộ môn các trường coi tài liệu học tập là “bảo bối”, nên nhất nhất từ kiến thức ôn tập cho đến giới hạn đề thi đều không nằm ngoài nó.
Một hiện tượng có tính hai mặt dễ thấy nhất là các trang mạng xã hội với đầy rẫy những bài văn mẫu, dạng nào cũng có. Chẳng hạn, chỉ cần Bộ GD-ĐT vừa mới đưa ra một dạng đề minh họa, tham khảo nào, là trên các trang mạng này đã có ngay lời giải, đáp án. Vì vậy học sinh lười suy nghĩ, biếng sáng tạo. Và cách nhanh nhất để các em có điểm là chỉ việc bám vào các tài liệu để học ôn.
Trong xu hướng đổi mới toàn diện về giáo dục như hiện nay, thì thực trạng dò bài nói trên được xem là một cách làm phản sư phạm. Thực trạng này cho thấy sự đổi mới về việc dạy và học thời gian qua mặc dù rất quyết liệt về thái độ nhưng chưa thật triệt để về giải pháp. Và một điểm quan trọng nữa, là từ đây mà thấy được ý thức hưởng ứng về sự đổi mới giáo dục xuất phát từ phía người học và người dạy học hiện nay còn khá khiêm tốn! Trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp đưa vào vận hành.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa môn văn năm 2018, trong đó có sự tích hợp giữa lớp 12 và lớp 11 (ở câu làm văn, 5 điểm). Phần nào đã cho thấy sự đổi mới về cách ra đề theo hướng mở tiến xa thêm một bước. Tuy nhiên, hiện trạng dò bài môn văn liệu sẽ khả quan hơn? Xin hãy chờ xem!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)