Loạt TV cao cấp năm nay chủ yếu là dòng OLED, thiết kế siêu mỏng và xu hướng dùng loa thanh tách độc lập khỏi màn hình.
LG OLED W7T
Dòng OLED TV mới của LG có thiết kế mỏng chỉ 2,57 mm, phiên bản 65 inch nặng khoảng 8,2 kg, được làm dạng khung tranh gắn tường. Thiết kế siêu mỏng nên toàn bộ phần kết nối, bo mạch chính của LG W7T được tích hợp vào một hệ thống loa thanh riêng biệt và kết nối thông qua một dây cáp siêu mỏng được làm trong mờ.
TV cho độ sáng nhỉnh hơn 25%, lên đến 1.000 nit ở độ sáng cao nhất, màu sắc đạt 99% gam màu DCI. Màn hình cũng sẽ hỗ trợ bốn định dạng HDR: Dolby Vision, HDR 10, HLG và Technicolor. Trong khi đó loa do Harman Kardon đồng phát triển, hỗ trợ công nghệ Dolby Atmos.
Kiểu dáng siêu mỏng, thiết kế độc đáo và chất lượng hình ảnh đẹp nhưng giá bán cao là rào cản lớn của sản phẩm này. Tại Việt Nam, W7T bản 65 inch được LG bán với giá tham khảo 300 triệu đồng, còn model 77 inch có giá lên đến 650 triệu đồng.
Samsung QLED Q9F
QLED là dòng TV 4K hoàn toàn mới và cao cấp nhất của Samsung khi sử dụng công nghệ màn hình chấm lượng tử (Quantum Dot) cho góc nhìn rộng, độ tương phản cao, độ sáng lên đến 1.500-2.000 nit và có thể hiển thị 99% gam màu DCI-P3 (gam màu chuẩn trong ngành công nghiệp phim kỹ thuật số).
Thực tế, Q9F vẫn dùng tấm nền LCD nên kích thước không mỏng như dòng OLED. Samsung sử dụng chất liệu kim loại giúp TV trông đẹp ngay cả khi nhìn từ phía sau. Cổng kết nối được đưa vào một hộp riêng, nối với TV bằng sợi quang gần như "vô hình" nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Có giá bán từ 110 triệu đồng cho phiên bản 65 inch, 200 triệu đồng với model 75 inch và lên đến 400 triệu đồng trên dòng 88 inch, Q9F cạnh tranh về giá so với sản phẩm của đối thủ. Tuy nhiên, hầu hết các hãng bắt tay làm OLED thì Samsung vẫn trung thành với dòng LCD.
Sony OLED A1
TV OLED đầu tiên của Sony được hãng tung ra với thiết kế độc đáo. Tận dụng ưu thế của công nghệ Diode phát sáng hữu cơ, sản phẩm có mặt trước như một tấm kính với độ mỏng 7,8 mm. Trong khi đó giá đỡ phía sau chứa các thành phần điều khiển và loa siêu trầm.
Ấn tượng hơn là công nghệ âm thanh Acoustic Surface, biến toàn bộ màn hình A1 trở thành chiếc loa khổng lồ. Mặt sau TV chăm chút bằng cách phủ bóng như một tấm kính. Các chi tiết thừa gần như không xuất hiện, song chân đế vẫn có kích thước khá lớn.
Phiên bản 55 inch của Sony A1 có giá 86 triệu đồng, trong khi model 65 inch là 140 triệu đồng. Giá của dòng OLED TV vẫn ở mức cao nhưng so với cách đặt giá trước đây của Sony thì dòng sản phẩm mới đã cạnh tranh hơn.
Panasonic EZ1000
Không nằm ngoài cuộc đua OLED, Panasonic tiếp tục nâng cấp dòng sản phẩm của mình bằng việc bổ sung công nghệ hình ảnh HDR. EZ1000 có độ sáng cao hơn, lên đến 800 nit, đạt chứng nhận THX 4K – chuẩn âm thanh, hình ảnh của các nhà làm phim chuyên nghiệp.
Với thiết kế siêu mỏng, Panasonic đã phải tách riêng hệ thống âm thanh thành một soundbar, nhưng được gắn cố định dưới đế TV. Tuy nhiên EZ1000 chỉ có duy nhất lựa chọn 65 inch, ra mắt từ đầu năm nhưng bán muộn tại Việt Nam (từ tháng 10) với giá 100 triệu đồng.
Philips POS9002
Dòng OLED mới của Philips tiếp tục sử dụng tấm nền LG, được nâng cấp với công nghệ HDR, hỗ trợ HDR10 và HLD HDR. Độ sáng tối đa của POS9002 lên đến 750 nit, cho phép thể hiện màu đen sâu, độ tương phản cao và hình ảnh mượt mà nhờ tần số quét 200 Hz.
Kiểu dáng của TV Philips không độc đáo như sản phẩm của Sony hay LG. Bù lại, nhà sản xuất này đặt hệ thống đèn LED Ambilight cho phép chiếu sáng ở các cạnh với màu sắc tương đồng với hình ảnh đang trình chiếu trên TV.
Được các trang công nghệ quốc tế đánh giá cao ở khả năng hiển thị, chất lượng âm thanh khá trong tầm tiền 2.600 USD (khoảng 60 triệu đồng). Song Philips POS9002 không được phân phối tại thị trường Việt Nam.
Đình Nam (theo vnexpress)
Bình luận (0)