Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông các tỉnh thành: Nhiều sáng kiến hay!

Tạp Chí Giáo Dục

Hà Nội thử nghiệm xe buýt sàn thấp phục vụ người khuyết tật; Đà Nẵng muốn đầu tư tuyến tàu điện 15.000 tỷ; Cần Thơ kêu gọi đầu tư BOT đường 15.000 tỷ đồng… là những sáng kiến hay cho ngành giao thông.

Hà Nội vừa thử nghiệm xe buýt sàn thấp phục vụ người khuyết tật

Hà Nội: Xe buýt sàn thấp cho người khuyết tật

Ngày 7-11, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã đưa vào vận hành thử nghiệm 15 xe buýt mới theo tiêu chuẩn châu Âu trên tuyến buýt 03, nối hai bến xe lớn của Hà Nội là Bến xe Giáp Bát – Bến xe Gia Lâm.

Xe buýt mới có hệ thống cabin độc lập cho lái xe, có 3 bảng điện tử thông tin led, có wifi miễn phí, hệ thống phần mềm quản trị GPS hiện đại, âm thanh thông báo trên xe được biên tập và cập nhật theo hướng thuận tiện, ngắn gọn, dễ hình dung và xác định địa điểm, gần gũi thân thiện hơn với hành khách.

Đặc biệt, đây là tuyến buýt đầu tiên của Hà Nội sử dụng xe sàn thấp, có thể nâng, hạ sàn xe tạo thuận tiện cho hành khách là người khuyết tật. Bên cạnh đó, xe được trang bị hộp số tự động, động cơ tiêu chuẩn khí thải châu Âu.

Dự kiến, từ nay đến hết năm 2017, Transerco sẽ thay thế tiếp 17 xe buýt mới, nâng tổng số xe mới đầu tư trong năm nay đạt trên 20% tổng số phương tiện buýt của Transerco.

Đà Nẵng: Đầu tư tuyến tàu điện 15.000 tỷ

Đà Nẵng đang mời gọi đầu tư siêu dự án tàu điện Đà Nẵng – Hội An với tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2023. Giải thích về tính cấp thiết của dự án, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng, cho rằng nhu cầu vận chuyển hành khách giữa Đà Nẵng – Quảng Nam trong những năm sắp tới là rất lớn trong khi phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng kịp.

Ông Trần Văn Sơn thông tin: Toàn tuyến tàu điện sẽ có chiều dài khoảng 33km, kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm TP đến Hội An theo tuyến đường ven biển. Dự án cần số vốn khoảng 7.500-15.000 tỷ đồng (tương đương 330-660 triệu USD), hình thức đầu tư ODA hoặc PPP, thời gian thực hiện 2017-2023.

Về sự cấp thiết đầu tư dự án, ông Sơn cho hay do sự gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn TP.Đà Nẵng và Hội An thời gian qua rất cao nên cần thay thế bằng vận tải công cộng. Đồng thời tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An cũ kỹ đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, phát triển du lịch cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của hai tỉnh, thành. “Do đó, việc đầu tư tàu điện hiện đại trong vòng sáu năm tới là cần thiết” – ông Sơn khẳng định.

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, cho hay hiện có nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu về dự án này. Sở GTVT đã định hướng cho họ hướng nghiên cứu cụ thể phương án kết nối lượng khách Đà Nẵng – Hội An vì đây là hai khu vực du lịch trọng điểm.

Cần Thơ: Đầu tư BOT đường 15.000 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống vừa làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc (gồm Tập đoàn đầu tư tài chính YK và Tập đoàn đầu tư xây dựng Posco Việt Nam) đến tìm hiểu đầu tư tuyến đường mới trên địa bàn TP dự kiến tên là 91C.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.Cần Thơ, tuyến đường mới 91C này nằm ở phía Tây TP, là trục đối ngoại của TP, kết nối tất cả khu công nghiệp với cảng Cái Cui. Đường 91C nối QL91 với đường Nam Sông Hậu, có chiều dài hơn 30km, chín nút giao, 25 cầu (trong đó có bốn cầu lớn), mặt cắt ngang 80m, diện tích hơn 277ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án chỉ làm mặt đường rộng khoảng 15m, dự kiến mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Đường 91C có hai đoạn, đoạn một có điểm đầu giao với QL91 và đường tỉnh 922 thuộc quận Ô Môn, điểm cuối giao với QL61C (quận Cái Răng). Đoạn hai có điểm đầu giao với QL1 tại nút giao IC4, điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu tại đường vào cảng Cái Cui. Theo Sở GTVT, mặt cắt đường theo quy hoạch là 80m, trong đó 32m giữa tim đường sẽ dự trữ sau này làm metro.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết Cần Thơ đã có ý tưởng làm tuyến đường này từ 10 năm trước nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn và yêu cầu về giao thông thời điểm đó chưa bức bách nên chưa làm được. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển hiện nay, áp lực về giao thông của Cần Thơ là rất lớn nên dự án đường này càng trở nên cấp thiết. Song vì ngân sách vẫn còn khó khăn nên Cần Thơ  muốn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT. Ngoài ra, ông Thống cũng nêu yêu cầu mong muốn nhà đầu tư xem xét đầu tư những dự án đi kèm hai bên đường hướng đến phục vụ văn hóa, du lịch. “Tôi muốn TP.Cần Thơ trong tương lai phát triển mạnh về dịch vụ, trong đó du lịch được xác định là mũi nhọn. Muốn vậy thì phải có những khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gắn với du lịch” – ông Thống nói.

T.S

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)