Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công là một cuốn sách dày hơn 560 trang vừa ra đời chỉ để phê bình các lỗi sai dày đặc trong ba bộ từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân: Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân!
Ông Hoàng Tuấn Công và cuốn sách do Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: L.ĐIỀN |
Giả sử những sai sót trong từ điển là do người cộng tác thì với tư cách là tác giả – người nhận Giải thưởng Nhà nước về các công trình này, GS Nguyễn Lân vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. |
Hoàng Tuấn Công |
Những sai sót trong các sách của ông Nguyễn Lân từ lâu đã được học giới nhắc đến một cách có trách nhiệm, nhưng phía tác giả không tiếp thu và các lỗi sai vẫn nằm trong sách tái bản.
Đây chính là “giọt nước tràn ly” để Hoàng Tuấn Công thực hiện quyển sách nói trên.
Ông vừa dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi nhân dịp quyển sách của ông đang nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
* Thưa ông, nhiều người (kể cả chính soạn giả) giải thích rằng nguyên nhân dẫn đến sai sót trong từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân là do tuổi tác: cụ biên soạn khi đã ở độ tuổi 90.
Lại có người cho rằng những sai sót đó là do cộng sự và học trò của cụ Nguyễn Lân, lỗi của soạn giả là không biên tập đến nơi đến chốn.
Là người khảo cứu rất kỹ từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân, ông thấy thực hư thế nào?
– Theo chúng tôi, vấn đề không phải như vậy. Bởi những sai sót trong từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân diễn ra một cách hệ thống, tìm thấy trong tất cả các cuốn từ điển do ông biên soạn, chứ không riêng một cuốn nào.
Từ cuốn đầu tiên Muốn đúng chính tả (1949), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989), Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989) đến cuốn cuối cùng (Từ điển từ và ngữ Việt Nam xuất bản năm 2000, tái bản 2006).
Về vấn đề “cộng sự”, trong tất cả các lời nói đầu, cụ Nguyễn Lân đều nêu rõ ông chính là người trực tiếp biên soạn, “đơn thương độc mã” (chữ của cụ Nguyễn Lân) biên soạn.
Chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân có những mục từ được biên soạn lúc “tuổi cao” nên có thể có sai sót, nhầm lẫn.
Tuy nhiên, nếu có thì đó chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất.
Mặt khác, đã là sai sót thì do bất cứ nguyên nhân nào, khách quan hay chủ quan, biên soạn ở độ tuổi 80, 90 hay 100 cũng cần phải được sửa chữa.
Tuy nhiên, kể từ lần đầu tiên (1998) nhà nghiên cứu Huệ Thiên có bài Những sai sót khó ngờ của Nguyễn Lân trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên – Huế), đến nay đã ngót 20 năm những sai sót đó vẫn còn nguyên xi trong tất cả những lần sách tái bản.
Ngấy khác ngậy Theo cụ Nguyễn Lân: * “béo ngấy tt Nói thức ăn có nhiều mỡ quá: Bát canh béo ngấy”. * “béo ngậy tt Như Béo ngấy”. GS Nguyễn Lân giảng như vậy, nhưng trong thực tế với người Việt Nam, “béo ngậy” không thể đồng nghĩa (như) “béo ngấy”. Vì “béo ngậy” = béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau (1); trong khi “béo ngấy” = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá nhiều mỡ (2). Cùng là “béo” cả, nhưng nó khác nhau căn bản ở chỗ “ngậy” hay “ngấy”. “Béo” (1) khiến cho ta muốn ăn, còn “béo” (2) lại khiến ta ngán đến tận cổ. |
Hoàng Tuấn Công |
* Đóng góp đáng kể của sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu, ngoài việc phát hiện và phân tích thuyết phục các lỗi sai ở các mục từ, là phần ông “thử lý giải” các sai sót khó hiểu của cụ Nguyễn Lân ở nhiều phương diện: kiến thức ngôn ngữ học, kiến văn, kiến thức Hán Nôm, cách hiểu tiếng mẹ đẻ…
Những lỗi thuộc về tiếng mẹ đẻ cho phép chúng ta nghĩ đến một điều: ngôn ngữ học nói chung và từ điển học nói riêng không phải là sở trường của soạn giả Nguyễn Lân?
– Đúng vậy. Với bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào, việc đem sở đoản ra “thi thố” như một sở trường sẽ khó tránh khỏi thất bại.
* Trong Lời đầu sách, ông có ghi nhận các quyển từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân được phát hành ở cả trong và ngoài nước với tần suất tái bản cao.
Với hàng loạt lỗi sai tồn tại “ổn định” qua các lần tái bản như vậy, ông nghĩ gì về công tác biên tập từ điển của các nhà xuất bản trong nước?
– Những sai sót của các bộ từ điển do GS Nguyễn Lân biên soạn cho thấy dường như các nhà xuất bản đã hoàn toàn đặt niềm tin vào tên tuổi của soạn giả, GS Nguyễn Lân.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng hiểu việc đòi hỏi biên tập viên phải bao quát tất cả các lĩnh vực trong từ điển là chuyện khó. Tuy nhiên, nếu nghiêm túc, ít nhất người ta sẽ phát hiện những lỗi chính tả sơ đẳng như “nõ điếu”, viết thành “lõ điếu”; “len lét”, thành “nen nét” của soạn giả.
Về vấn đề biên tập từ điển, tôi được biết gần đây Nhà nước đã có quy định việc xuất bản từ điển phải qua cơ quan chuyên môn thẩm định nội dung.
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều loại từ điển tiếng Việt khổ nhỏ, dành cho học sinh với những sai sót nghiêm trọng vẫn xuất hiện trên thị trường sách.
Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.
Riêng với từ điển của cụ Nguyễn Lân, đến quý 2-2017 vẫn còn được tái bản với những sai sót đã có từ hơn 20 năm trước, tôi nghĩ có một phần trách nhiệm của các nhà xuất bản và những người thừa kế tác phẩm.
Khép lại vấn đề kéo dài hàng chục năm Đọc Hoàng Tuấn Công, phải thừa nhận tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra. Những ai từng đọc các giai thoại về “Vua chính tả” Nguyễn Lân sẽ sửng sốt khi thấy chỉ trong cuốn sách mỏng (chỉ hơn 100 trang) Muốn đúng chính tả mà Hoàng Tuấn Công trưng ra được đến 22 lỗi, trong đó có những lỗi khó tưởng tượng được ở một học giả chuyên về từ điển như quyến dũ, xàm xỡ, trạnh lòng, sun soe, (ngã) xóng xoài, xặc sỡ, dây trun… Làm từ điển phải có một phương pháp khoa học. Hoàng Tuấn Công cho thấy cụ Nguyễn Lân thiếu hẳn một cách làm như vậy: sách của cụ không hề ghi thư mục tham khảo hay bất cứ tài liệu, sách báo tra cứu, tham khảo nào; và trên thực tế, rất nhiều lỗi hoàn toàn có thể tránh được nếu cụ cẩn thận tra cứu, chứ không phải suy diễn, phỏng đoán. Hoàng Tuấn Công không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua… Phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng |
LAM ĐIỀN/TTO
Bình luận (0)