Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đầu tư, thi công tuyến buýt đường sông), cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương thi công tàu và thi công bến. Dự kiến tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ trung tuần tháng 8-2017.
Các công nhân miệt mài thi công bến tàu phục vụ cho hạ thủy tuyến buýt đường sông |
Giá vé dành cho hành khách là 15.000 đồng
Những ngày qua, dù trời mưa nắng thất thường, nhưng hàng chục công nhân tại bến Bạch Đằng (quận 1) và khu vực phà Bình Qưới thuộc phường Linh Đông (quận Thủ Đức) vẫn miệt mài thi công bến tàu phục vụ cho hạ thủy tuyến buýt sông đầu tiên tại TP.HCM. Theo đó tuyến buýt sông số 1, dài khoảng 10,8km, với điểm đầu là bến Bạch Đằng (quận 1) và điểm cuối là Linh Đông (quận Thủ Đức), đi theo sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đầu tư, thi công tuyến buýt đường sông), cho biết, tuyến buýt đường sông số 1 gồm 5 tàu (mỗi tàu 80 chỗ) được sử dụng. Trong đó 4 tàu vận chuyển hằng ngày và 1 tàu dự bị.
Toàn bộ lộ trình của tuyến sẽ có 12 bến (9 bến chính thức và 3 bến bổ sung). Thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến khoảng 30 phút. Thời gian cho tàu cập mỗi bến đón và trả khách là 3 phút.
Bên cạnh đó, biểu đồ tàu chạy (giờ khởi hành – kết thúc, thời gian cập bến…) sẽ được xây dựng sau khi hoàn tất quá trình thẩm tra, đánh giá kỹ thuật. Giá vé dành cho hành khách là 15.000 đồng.
Lộ trình cụ thể của tuyến buýt số 1: Bến số 1 (Bạch Đằng, quận 1) – bến số 2 (Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh) – bến số 3 (Bình An, quận 2) – bến số 4 (Thảo Điền, quận 2) – bến số 5 (Tầm Vu, quận Bình Thạnh) – bến số 6 (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) – bến số 7 (Bình Triệu, quận Thủ Đức) – bến số 8 (Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) – bến số 9 (Bình Quới, quận Thủ Đức).
Ngoài ra, theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 2 dự kiến khởi công năm 2018 với hải trình Bạch Đằng – Lò Gốm (quận 8), dài khoảng 10,3km, đi theo sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ.
Hai tuyến buýt sông số 3 (từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7) cũng đã được TP phê duyệt.
Các tuyến buýt sông sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khác như xe buýt, metro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Người dân hào hứng
Chị Trần Dung (ngụ quận Thủ Đức) cho biết: “TP.HCM có nhiều tuyến kênh rạch, đường sông dài nên đây là loại hình cần phát huy. Buýt đường sông sẽ giúp người dân ngoại thành muốn đi vào khu trung tâm có thể tránh được vấn nạn ùn tắc, kẹt xe kinh hoàng. Tôi ở Thủ Đức, nếu đi đâu ở quận 1, tôi sẽ gửi xe máy, xuống tàu để đi. Nó vừa mát mẻ lại an toàn, sạch sẽ, khỏi chen chúc, chịu khói bụi như đi xe máy”.
Anh Minh Hùng (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi nghĩ đã đến lúc TP nên phát triển giao thông công cộng mạnh mẽ và đột phá thì sẽ đến ngày xe máy tự khai tử, chẳng cần phải cấm hay hạn chế gì cả. Tuy ra đời muộn nhưng tôi tin rằng dự án tuyến buýt sông sẽ thắng lớn vì nó đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân. Mong nhà đầu tư làm thêm tuyến buýt du lịch, buýt tải trên sông nhằm làm giảm áp lực giao thông của TP và cho người dân thêm nhiều dịch vụ hữu ích”.
Mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã dẫn đoàn khảo sát công tác chuẩn bị tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH TM Tân Viễn Đông, nơi đang đóng những chiếc tàu phục vụ tuyến buýt sông của TP. Ông Cường yêu cầu: “Đơn vị thi công cần đảm bảo chất lượng tàu, đồng bộ cơ sở hạ tầng đường thủy. TP mong muốn người dân đi buýt sông lần đầu tiên là cảm thấy thích và quay lại sử dụng thường xuyên”. |
Anh Toàn Thắng (ngụ quận 1) rất hồ hởi, nhưng cũng có câu hỏi đặt ra: “Nhìn chung đây là một giải pháp tốt. Vấn đề là nó có bảo đảm an toàn hơn taxi, xe buýt đường bộ hay không? Người dân đi buýt sông có tiết kiệm được thời gian hơn so với đi bằng đường bộ? Đặc biệt, tại điểm đến của mỗi bến thì hệ thống kết nối giao thông phải đảm bảo như thế nào khi người dân đã gửi xe máy ở các bãi. Hay là người dân vừa tốn tiền đi buýt sông, lại tốn thêm công đi bộ hoặc tiền taxi”.
T.S
Bình luận (0)