Những thợ nuôi ong du mục thường phải rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để giúp các đàn ong 'nhả' mật ngọt cho đời.
Bây giờ đang là cao điểm của mùa lấy mật ong và xã miền núi Giang Sơn Đông (H.Đô Lương, Nghệ An) là nơi khá lý tưởng cho các thợ ong du mục vì khu vực đồi núi khá rộng lớn nơi đây đều được phủ xanh bởi keo lá tràm và dẻ. Mùa này, keo lá tràm không ra hoa nhưng lại tiết mật ở đầu cuống lá. Giữa bạt ngàn rừng tràm, những thợ ong du mục tìm địa điểm phù hợp, thuê đất rồi lập trại ong dã chiến để lấy mật.
"Đó phải là nơi ô tô có thể ra vào chở mật, có nhiều tràm hoặc loại cây đang đến mùa ra hoa và gần nguồn nước”, thợ ong Nguyễn Khánh Tân (ngụ tại xã Hồng Sơn, H.Đô Lương) cho biết.
Anh Tân chọn khu rừng tràm bên con đường đất đủ để chiếc xe tải cỡ vừa ra vào thuận tiện, cách con suối nhỏ chừng 100 m để đặt 300 tổ ong của mình. Hôm chúng tôi đến thăm, dưới tán rừng tràm, anh Tân cùng những người thợ nuôi ong đang vật lộn với cái nắng cháy da cháy thịt để quay mật.
Anh Tân dỡ tấm nắp đậy phía trên các bọng ong rồi cầm chiếc ống làm bằng sắt bên trong đựng các vật dễ cháy và dễ tạo khói đang bốc cháy huơ trên tổ ong khiến những chú ong thợ bay loạn xạ ra khỏi tổ, còn lũ ong non chưa đủ cánh thì chui xuống đáy bọng. 6 người khác phân công nhau dỡ cầu ong khỏi tổ, chuyển cầu ong đi quay lấy mật và đặt cầu ong lại vị trí cũ trong tổ.
Theo anh Tân, cứ khoảng 7 – 10 ngày, anh và các thợ ong lại lấy mật một lần. Mùa này, mỗi lần quay mật, một tổ ong thường cho khoảng 4 – 6 lít mật (1 lít mật nặng khoảng 1,3 kg). Mật ong sau đó được bán với giá 20.000 – 29.000 đồng/kg và thường thì thương lái sẽ đến tận nơi để thu mua. Gắn bó với nghề nuôi ong du mục đã hơn 5 năm, anh Tân cho biết, 300 đàn ong của anh hồi hương từ giữa tháng 4 sau hơn 4 tháng tránh rét và “đánh” mật tại Tây nguyên và tỉnh Bình Thuận.
Thông thường, theo anh Tân, từ tháng 12, khi trời trở lạnh, những người nuôi ong du mục ở Nghệ An bắt đầu rời quê, di chuyển các đàn ong vào các tỉnh phía Nam tránh rét. Khi tiết trời miền Bắc nắng ấm, hoa vải nở rộ, anh Tân và các bạn nghề của mình lại đưa ong ra tỉnh Bắc Giang “đánh” mật. Mùa hoa vải chỉ kéo dài 1 tháng nên các thợ ong lại di chuyển đàn ong về các tỉnh miền Trung.
Biền biệt khắp nơi
Anh Nguyễn Văn Giang (ngụ tại Lâm Đồng), bạn nghề của anh Tân, người đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong du mục cho biết, nghề này cho thu nhập khá cao, nhưng cũng lắm rủi ro. Đầu tư ban đầu mỗi tổ ong tốn 2,5 – 3 triệu đồng và thợ ong du mục cũng như những con ong thợ, cứ phải quần quật suốt ngày.
Thợ ong luôn ăn ngủ cùng những đàn ong để canh giữ, kiểm tra và chăm sóc tổ ong. Mùa cây nhiều hoa, đàn ong cho nhiều mật, để ong không ăn mật, người nuôi phải cho ong ăn thêm bột đậu nành. Mùa khan hoa, bột đậu nành và đường hạt là thức ăn để nuôi sống các đàn ong.
Theo các thợ ong, loài ong mật được xem là vô hại với cây trồng, thấm chí còn là thiên địch của những vườn cây ăn quả, nhưng thợ ong du mục thường phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của các chủ vườn, chủ rừng.
“Có những chủ vườn sợ ong đến làm hỏng cây thì xua đuổi, thậm chí phun thuốc sâu lên cây. Ong rất dị ứng với thuốc sâu và thường bị chết khi gặp hóa chất độc hại. Gặp trường hợp này, chủ ong chỉ biết khóc trước thiệt hại không nhỏ của mình”, anh Tân nói. Theo anh Tân, ong mật thường gặp một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, thối ấu trùng, nếu không biết để chữa trị thì dễ lâm vào cảnh trắng tay.
Đã nhiều mùa ong lấy mật đi qua, anh Tân và những bạn nghề của mình không được ăn tết cùng gia đình. “Con ong du mục hết ngày lấy mật còn về tổ, còn thợ ong du mục giống như con ong thợ nhưng cả năm chỉ về nhà được dăm ba ngày rồi lại biền biệt cùng ong đi tìm mật”, anh Tân chia sẻ.
Theo thợ ong Nguyễn Văn Giang, ong thợ chỉ thọ 30 – 50 ngày tuổi. Ong thợ chuyên đi lấy phấn hoa và mật hoa về tạo mật làm nguồn thức ăn dự trữ để nuôi ong chúa, ong non và nuôi chính mình. Trong số ong thợ có ong trinh sát và ong lấy phấn, lấy mật. Ong trinh sát thường thức giấc rất sớm để lên đường dò tìm nguồn phấn hoa và mật hoa. Đám ong này bay đi tứ phía trong bán kính khoảng 4 – 5 km, khi phát hiện được vị trí có nhiều phấn, mật hoa, thì quay về tổ báo tin cho ong thợ biết, sau đó dẫn đường đến “kho báu” rồi lại lang thang đi tìm “kho báu” khác.
|
Khánh Hoan (TNO)
Bình luận (0)