Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Nan giải chuyện rác, môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phân loại rác tại nguồn thành chất hữu cơ và chất thải còn lại đạt tối thiểu 50%. 

Xe vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước     Ảnh: Kiều Phong

Xe vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước Ảnh: Kiều Phong

Tương tự, đến năm 2020 thì tỷ lệ rác sinh hoạt chôn lấp là 50% và đến 2025 chỉ còn 20% rác mang đi chôn lấp. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Mọi người phải cùng lo chuyện rác 
Tại các buổi đại biểu HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đã nêu lên các quan ngại về vấn đề xử lý môi trường ở TPHCM. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm khi tiếp xúc cử tri quận 9 vào ngày 23-6 cũng nhận được phản ánh tương tự, trong đó có sự ô nhiễm sinh hoạt trong dân cư. Theo cử tri, đó là sự bề bộn về rác thải, hiện tượng thải bỏ chất thải rắn không đúng quy định tại các khu vực công cộng hoặc các khu vực đất trống, vứt chất thải rắn xuống kênh rạch gây ô nhiễm môi trường.
Sự lo lắng của các cử tri như đã nêu là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo báo cáo của UBND TPHCM, chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm trên địa bàn chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu; một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Thường trực HĐND TP cũng có đánh giá: Chất lượng môi trường ở TPHCM nhìn chung còn diễn biến phức tạp, có mặt còn phức tạp hơn. Ô nhiễm ở tất cả các lĩnh vực môi trường chưa được cải thiện đáng kể cả về nước mặt, nước ngầm, nước thải, không khí, tiếng ồn… Đặc biệt, môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải đang là vấn đề tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân sinh sống, lao động, sản xuất, kinh doanh chưa thực sự tốt.
Đánh giá về thực trạng này, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực cho rằng: “Thành phố mà không xử lý được rác thì là một thành phố không đáng sống”. Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, toàn dân phải lo chuyện rác chứ không nên khoán trắng hết cho bộ máy làm dịch vụ vệ sinh môi trường. “Quan điểm và cách làm này thật bất công và không thương người, nếu như vấn đề của toàn xã hội mà chỉ quy trách nhiệm cho một lực lượng. Hệ quả là người dân vô tâm chỉ biết xả rác và đẩy rác ra đường”, đồng chí Phạm Chánh Trực bày tỏ.
Phải xử lý rác trong từng hộ dân
Theo UBND TP, TP là nơi tập trung số lượng người dân nhập cư rất đông và tạo nhiều áp lực cho TPHCM; trong đó có câu chuyện về rác thải, ô nhiễm môi trường. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Chánh Trực cho rằng, để việc xử lý rác hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ; trước tiên “phải xử lý rác trong từng hộ dân”. Nghĩa là vấn đề phân loại rác tại nguồn cần phải làm ngay, thực hiện rộng rãi. Theo đồng chí, Nhà nước phải tổ chức công tác thu gom rác một cách khoa học và tiến tới, đẩy mạnh cho phép người dân tham gia đấu thầu thu gom rác. Trước tiên có thể thực hiện thí điểm trong phạm vi một phường, một quận rồi nhân rộng ra. Yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị tổ chức thu gom là phải sạch; nghĩa là con đường, khu vực nào thuộc phạm vi được giao thí điểm nhưng không làm sạch thì đơn vị thu gom đó phải chịu trách nhiệm. Song song đó là việc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải phạt mạnh, xử lý thật nghiêm hành vi xả rác thải.
Về công nghệ xử lý, cần giảm mạnh lượng rác chôn lấp và phải nâng cao lượng rác tái chế, tái sử dụng. Các đơn vị xử lý rác phải thay đổi công nghệ để tận dụng rác sản xuất làm phân compost, đốt ra điện… Chi phí để xử lý rác là chi phí cần thiết phải trả để có được một thành phố sạch. “Cái này là cái đáng để tốn tiền, đáng để chi. Nếu không rác thải, nước thải, khí thải làm ô nhiễm môi trường lại càng nguy hại hơn”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói. 
Các gợi mở của đồng chí Phạm Chánh Trực được đánh giá là khá phù hợp với định hướng giải quyết ô nhiễm trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tại kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP khóa IX mới đây đã thông qua Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM. Nghị quyết yêu cầu TP tuyên tuyền rộng rãi trong nhân dân về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư để nâng cao nhận thức người dân tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Để thực hiện nhiệm vụ này, dự kiến TPHCM sẽ phát động các phong trào xây dựng khu phố không rác, tuyến đường không rác… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư. Song song đó là việc xây dựng lộ trình phân cấp cho cấp quận, cấp phường chủ động và chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại địa bàn quản lý. Về phân loại rác tại nguồn, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phân loại rác tại nguồn thành chất hữu cơ và chất thải còn lại đạt tối thiểu 50%. Tương tự, đến năm 2020 thì tỷ lệ rác sinh hoạt chôn lấp là 50% và đến 2025 chỉ 20% rác mang đi chôn lấp… 
Mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác. Lượng rác này được Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, các công ty dịch vụ công ích quận huyện (40%) và hệ thống thu gom dân lập (60%) tổ chức thu gom. Trong số này có khoảng 5.500 tấn/ngày được đưa về bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) xử lý bằng hình thức chôn lấp. Số còn lại được đưa về các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) để xử lý theo hình thức chôn lấp, tái chế và làm phân compost.
Ngoài ra, lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn TPHCM khoảng 22 tấn/ngày từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Việc thu gom và xử lý chất thải y tế chủ yếu do Công ty Môi trường Đô thị TPHCM đảm trách.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ năm 1998 TP đã thí điểm phân loại rác tại nguồn, song thực hiện không đồng bộ. Theo đó, sau khi người dân phân loại xong thì các đơn vị thu gom lại đổ chung vào nhau rồi mang đi chôn lấp nên chương trình phân loại rác tại nguồn bất thành. Mới đây, UBND TP đã phê duyệt đề án phân loại rác tại nguồn và đang trong giai đoạn triển khai để thực hiện đại trà trên toàn TPHCM.

HẢI PHONG – MAI ANH/SGGP

 

Bình luận (0)