Đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia vừa 'trình làng' đã phát hiện nhiều sai sót.
Do… bám sát sách giáo khoa !
“Đề thi nằm trong chương trình và sách giáo khoa” lâu nay trở thành câu quen thuộc trong quy chế thi và phát ngôn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước mỗi kỳ thi quan trọng. Thế nhưng, việc ông Nguyễn Văn Thuật, giảng viên Trường ĐH Đồng Nai, chỉ ra những lỗi kiến thức quá lạc hậu trong đề tham khảo môn địa mà Bộ GD-ĐT vừa công bố và giải thích của đại diện ban đề thi đã cho thấy trong trường hợp này, đề thi bám sát sách giáo khoa (SGK) lại chính là nguyên nhân dẫn đến những lỗi ngớ ngẩn.
Theo ông Thuật, câu 44 mã đề 003 không có đáp án nào đúng khi đặt câu hỏi: “QL1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở: A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. TP.HCM”. Ông Thuật cho rằng, nước ta không có QL1 mà chỉ có QL1A, QL1B, QL1K… Hoặc câu 55: “Dựa vào Atlat địa lý VN trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người? A. TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng; B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng; C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội; D. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM”. Theo ông Thuật, câu này không bám sát thực tế. Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên 1 triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và TP.HCM thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng? Đã sử dụng số liệu để hỏi học sinh (HS) thì số liệu cần bám sát thực tế.
Theo giải thích của PGS-TS Nguyễn Đức Vũ, đại diện tổ xây dựng đề tham khảo môn địa lý, trong quá trình làm đề, tổ xây dựng đề tham khảo môn địa lý đã căn cứ vào SGK và Atlat để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất trong dạy học và thi. Tuy nhiên, có một số nội dung trong SGK có thể đã lạc hậu, do tình hình kinh tế xã hội thay đổi liên tục trong khi SGK chưa thể cập nhật thường xuyên.
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cũng cho rằng với các môn có nhiều nội dung kiến thức cần phải cập nhật thường xuyên do có thay đổi liên tục như môn địa lý thì ra đề thi cần phải hết sức cẩn trọng, nhất là phần địa lý kinh tế – xã hội. Ông Lịch cũng là người có bài viết Lạc hậu như sách giáo khoa địa lý đăng trên Báo Thanh Niên tháng 12.2015 nêu hàng loạt những nội dung kiến thức, thông tin đã quá lạc hậu trong SGK địa lớp 12 hiện hành. Ví dụ, sách tái bản năm 2015 nhưng vẫn dạy cho HS mục tiêu kinh tế xã hội đến năm… 2010; nhà máy xây dựng xong và đưa vào sản xuất gần chục năm trời nhưng sách vẫn viết “đang xây dựng”; ngoài ra còn hàng loạt số liệu về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước đều lỗi thời, từ hàng chục năm trước nhưng vẫn dạy, vẫn thi theo SGK.
Một giáo viên môn địa ở Hà Nội cũng cho rằng cập nhật những thông tin, tri thức mới phù hợp để đưa vào nội dung bài giảng thì giáo viên vẫn phải làm vì dạy kiến thức cũ HS… cười cho, nhất là thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, giáo viên giảng bài như vậy nhưng lúc ôn thi lại vẫn phải nhắc HS của mình bám sát vào SGK vì đề thi và đáp án bao giờ cũng “nằm trong chương trình và SGK”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng hay nói “tài liệu ôn thi THPT tốt nhất là SGK”. “Do vậy, thầy trò nhiều khi cứ phải “nhắm mắt” mà học những kiến thức biết đã quá lạc hậu. Dạy có hay đến mấy nhưng khi thi HS bị điểm thấp thì chẳng có ai khen mình mà còn oán mình”, giáo viên này nói.
Sai sót môn hóa
Như Báo Thanh Niên đã thông tin trên số báo ra ngày 16.5, đề thi tham khảo môn hóa cũng có sai sót. Cụ thể câu 74 có đến 2 phương án trả lời đúng. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), thừa nhận sai sót đó thuộc lỗi “kỹ thuật” và rất đáng tiếc!
Xung quanh những vấn đề về sai sót và những lỗi ngớ ngẩn trong đề thi môn địa lý, môn hóa học… nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại nếu đề thi chính thức cũng xảy ra tình trạng tương tự thì sẽ ảnh hưởng không ít tới kết quả bài thi cũng như tâm lý của thí sinh.
Trả lời vấn đề này, ông Hồng nhấn mạnh đề tham khảo mục đích là để giúp HS có một cái nhìn, một bức tranh chung về đề thi để có hình dung cụ thể về định dạng đề thi, tương tự như cấu trúc của đề thi thật, tránh những bỡ ngỡ khi tiếp cận với đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia. Mục đích chính của đề tham khảo là giúp thí sinh và giáo viên biết được định dạng đề thi để ôn tập cho tốt, không có mục đích định hướng cụ thể nội dung kiến thức nào sẽ thi.
Bài học cho việc ra đề
Mặc dù vậy, ông Hồng cũng khẳng định, những góp ý về đề tham khảo sẽ là bài học kinh nghiệm rất quý trong quá trình làm đề thi chính thức. Ví dụ, khi làm đề thi chính thức sẽ rà soát kỹ, không đưa các thông tin chưa được cập nhật trong SGK vào đề thi để tránh gây ra những tranh luận không đáng có.
Cũng theo ông Hồng, khi tổ chức kỳ thi chính thức, việc chọn lựa nội dung kiến thức nào sẽ thi phải làm với quy trình rất chặt chẽ. Bộ sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng các đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia.
Trước khi hội đồng đề thi làm việc thì việc xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Hiện Bộ đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đảm bảo kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6.2017.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)