Uncategorized

Thái Lan có Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-8, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha đã triệu tập phiên họp toàn thể Hạ viện 493 thành viên để bầu Thủ tướng mới thay thế ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.

Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu họp báo tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: TTXVN

Theo đó, ứng cử viên duy nhất tại cuộc bỏ phiếu này là bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng đầu liên minh cầm quyền hiện nắm 314/493 ghế Hạ viện. Theo luật bầu cử của Thái Lan, bà Paetongtan cần đa số tối thiểu, tức 247 phiếu ủng hộ để được bầu làm Thủ tướng.

Kết quả, bà Paetongtarn nhận được 319 phiếu ủng hộ, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Có 2 thành viên Hạ viện không tham dự cuộc họp. Như vậy, bà Paetongtarn đã trúng cử, trở thành Thủ tướng thứ 31 và là Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay ở Thái Lan. Bà cũng là nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử “xứ sở Chùa Vàng” và là thành viên thứ ba trong gia đình Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha của bà là ông Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra.

Bà Paetongtarn, còn có tên thân mật là “Ung-ing”, sinh ngày 21-8-1986 tại Mỹ. Bà là con thứ ba và là con út của cựu Thủ tướng Thaksin với vợ cũ Potjaman Na Pombejra. Bà Paetongtarn tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị, xã hội học và nhân chủng học tại Khoa Khoa học chính trị của ĐH Chulalongkorn năm 2008 và lấy bằng thạc sĩ quản lý khách sạn quốc tế tại ĐH Surrey ở Anh.

Trước khi tham gia chính trường, bà Paetongtarn từng là giám đốc điều hành của Rende Development Co. Ltd., công ty quản lý các tài sản thuộc sở hữu của gia đình Shinawatra, bao gồm khách sạn SC Park, câu lạc bộ Golf & Thể thao Alpine và khách sạn Thames Valley Khao Yai. Bà là cổ đông lớn của tập đoàn bất động sản khổng lồ SC Asset Corporation và là giám đốc của Thaicom Foundation. Ngoài ra, bà cũng nắm giữ cổ phần của khoảng 20 công ty khác trong lĩnh vực bất động sản, viễn thông và truyền thông. Trước khi đảm nhận vai trò Thủ tướng, bà Paetongtarn sẽ phải từ bỏ vai trò kinh doanh của mình và tuân thủ các hạn chế về quyền sở hữu cổ phần.

Bà Paetongtarn đã kết hôn với ông Pidok Sooksawas và có 2 con. Trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2023, bà Paetongtarn là một trong 3 ứng cử viên Thủ tướng của đảng Pheu Thai. Sau khi đảng Pheu Thai giành được quyền thành lập Chính phủ với ông Srettha được bầu làm Thủ tướng, bà Paetontarn tiếp tục giữ vị trí cấp cao trong đảng Pheu Thai và được bầu làm lãnh đạo đảng vào ngày 27-10-2023. Là thành viên Chính phủ cựu Thủ tướng Srettha, bà Paetongtarn gần đây được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch 2 Ủy ban quốc gia về chiến lược quyền lực mềm và phát triển hệ thống y tế công cộng, cả 2 đều do Thủ tướng đương nhiệm làm chủ tịch.

Khu vực tư nhân Thái Lan đã có những đánh giá tích cực về việc bà Paetongtarn được bầu làm Thủ tướng mới của đất nước. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul cho rằng bà Paetongtarn có thể giúp hình thành mối liên kết giữa thế hệ mới và thế hệ cũ ở Thái Lan, do đó tuổi đời còn trẻ của bà lại là một thế mạnh chứ không phải trở ngại. Ông Kriengkrai tin rằng dưới sự lãnh đạo của bà Paetongtarn, hầu hết các chính sách của Chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo đưa ra sẽ tiếp tục như kế hoạch.

Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul cũng có nhận định tương tự khi cho rằng Chính phủ sắp tới (vẫn do đảng Pheu Thai lãnh đạo) có thể sẽ tiếp tục phần lớn các chính sách kinh tế của mình để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài. Ông Sanan bày tỏ hy vọng nội các mới sẽ được thành lập trong thời gian sớm nhất để tránh tạo ra khoảng trống trong điều hành và giải ngân ngân sách. Ngoài ra, ông cũng hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên trường quốc tế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác hơn để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu.

Đỗ Sinh – Huy Tiến (TTXVN)

Bình luận (0)