Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một hướng đi tất yếu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần lựa chọn được những người “có đức, có tài”; đồng thời hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”…
13 người trúng tuyển và được bổ nhiệm
Tuyển chọn công chức, viên chức nói chung, nhất là tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lý công chức, viên chức, mang tính quyết định đối với sự phát triển của nền hành chính Nhà nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong những năm qua, việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của TP.HCM đã bám sát các quy định của Trung ương, của TP và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh; chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, sáng tạo trong công tác có ý chí rèn luyện, phấn đấu; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ để đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng và tương đương; một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, “có lên mà không có xuống” nên không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, TP.HCM đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022, ông Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP – thông tin, trong năm 2022 có 7 đơn vị tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Kết quả có 13 người trúng tuyển và được bổ nhiệm. Công tác thi tuyển được tổ chức cơ bản thành công. Việc thi tuyển tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người chính xác.
Trong đó, Sở Y tế đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM; Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển 3 chức danh (gồm: Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa); Sở Công thương đã hoàn thành công tác thi tuyển 4 chức danh (gồm: Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn – môi trường, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP); UBND quận 1 đã hoàn thành công tác thi tuyển chức danh Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị; UBND huyện Hóc Môn đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển 2 chức danh (gồm: Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường); UBND TP.Thủ Đức hoàn thành công tác thi tuyển chức danh Trưởng phòng Tư pháp; Viện Nghiên cứu phát triển TP hoàn thành công tác thi tuyển chức danh Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế – Xã hội TP.
Mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, quận, huyện
Là một trong 7 đơn vị tham gia đề án, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế – chia sẻ, trong thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, điểm mới nhằm tìm ra nhà quản lý tốt chứ không bắt buộc người dự thi phải là bác sĩ chuyên khoa giỏi. Theo đó, bác sĩ Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu – đã vượt qua 25 ứng viên, trúng tuyển và được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Mắt TP. Sau hơn một năm nhận nhiệm vụ mới, dù không phải là bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng bác sĩ Lê Anh Tuấn rất nhạy bén, nắm bắt công việc nhanh, phát huy vai trò lãnh đạo quản lý. Kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc thể hiện Bệnh viện Mắt TP được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với mức điểm cao, xếp thứ 3 toàn ngành.
“Tất cả minh chứng trên cho thấy việc lựa chọn và bổ nhiệm chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP bước đầu mang lại những thay đổi tích cực cho đơn vị, cần khuyến khích thực hiện nhiều hơn, sâu rộng hơn”, ông Thượng nói.
Về phía Sở GD-ĐT (đơn vị hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển 3 chức danh), ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc sở – cho hay, qua thi tuyển đã chọn được các ứng viên phù hợp, tạo được môi trường minh bạch, công khai về công tác cán bộ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương – thông tin, sở đã tổ chức và hoàn thành thi tuyển 4 chức danh quan trọng. Tới thời điểm này, các vị trí đang phát huy rất tốt…
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022; triển khai tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương năm 2024, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh, công tác thi tuyển công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và lựa chọn được đúng người. TP.HCM sẽ tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng, ban và mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, quận, huyện trong năm 2024. Sở Nội vụ sẽ là cơ quan thường trực giúp UBND TP chủ trì công tác thi tuyển. Thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch thi tuyển lãnh đạo năm 2024 và hoàn thành trước ngày 30-9. Công tác thi tuyển tổ chức trong quý IV và cố gắng hoàn thành trước ngày 15-12…
Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, trong dự thảo kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, quận, huyện đã có 4 sở đăng ký (gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư).
Ngoài ra, ông Mãi đề nghị thí điểm thi chức danh giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp TP, đơn vị sự nghiệp quận/ huyện. Việc thi tuyển phải công khai, minh bạch điều kiện, công bố rộng rãi…
Hải – Hòa
Bình luận (0)