Cận kề năm học mới 2024-2025, nhiều trường học ở TP.Đà Nẵng đã tìm nhiều giải pháp từ ngăn không gian sảnh, phòng hội đồng đến điều tiết địa bàn tuyển sinh để đảm bảo cho 100% học sinh được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018.
Giải pháp giảm áp lực tuyển sinh
Năm học 2024-2025, dự kiến phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) có 1.081 trẻ trong độ tuổi sẽ lên lớp 6. Đóng chân trên địa bàn phường, trường THCS chỉ đáp ứng được tối đa cơ sở vật chất đảm bảo việc học cho 500 học sinh đầu cấp.
Để đảm bảo quyền lợi được đến trường cho học trò, Phòng GD-ĐT Liên Chiểu đưa ra phương án điều tiết học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc đến học tại các trường THCS khác theo hướng liên cư, liên địa. Theo đó, có 188 học sinh sẽ đăng ký tuyển sinh tại Trường THCS Lê Anh Xuân, 189 học sinh đăng ký tuyển sinh vào Trường THCS Đàm Quang Trung và 192 học sinh vào Trường THCS Lương Thế Vinh.
Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng có 700 học sinh vào độ tuổi lớp 6. Theo đó, có 550 em theo học tại Trường THCS Ngô Thì Nhậm. Số học sinh còn lại được điều tiết tuyển sinh tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Hòa Minh.
Ở bậc tiểu học, tình trạng này diễn ra “nóng” không kém. Dự kiến năm học này, phường Hòa Khánh Bắc có 1.065 học sinh vào lớp 1. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Âu Cơ và Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên chỉ đủ phòng học dành cho tối đa 540 học sinh (50%). Trước tình trạng này, quận Liên Chiểu cũng phải điều tiết tuyển sinh, phân tuyến để cho một số lượng học sinh về học tại các trường tiểu học ở hai phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu trường lớp là do sự tăng dân số cơ học. Đây là địa bàn có nhiều con em công nhân đang sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh. Theo ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu, việc điều tiết học sinh theo hướng liên cư, liên địa được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cho học sinh đến trường trong quãng đường ngắn nhất, hạn chế tối đa việc di chuyển qua đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam.
Cần ưu tiên xây dựng trường mới
Toàn quận Liên Chiểu có 13 trường tiểu học với quy mô hầu hết của các trường đạt từ hơn 1.100 học sinh trở lên. Để đáp ứng nhu cầu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày đúng với tinh thần Chương trình GDPT 2018, ngoài việc đầu tư xây dựng phòng học, điều tiết tuyến tuyển sinh, một số trường còn phải sử dụng không gian sảnh hoặc phòng hội đồng để làm phòng học tạm. Đơn cử như năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Âu Cơ dự kiến sẽ ngăn sảnh thành 4 phòng học tạm; Trường Tiểu học Duy Tân ngăn Phòng hội đồng và sảnh làm 2 phòng học tạm; Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên phải ngăn thư viện để làm 2 phòng học tạm.
Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn quận trong năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo, Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu đề nghị UBND các cấp cần ưu tiên triển khai thực hiện xây dựng mới các trường học tại các khu vực. Trong đó, xây dựng mới các trường Tiểu học Hòa Hiệp giai đoạn 1 (dự án cơ sở 2 của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh); Trường Tiểu học Hòa Khánh Bắc tại số 75 đường Nguyễn Lương Bằng; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Liên Chiểu tại số 27 đường Hoàng Văn Thái và số 60 đường Đào Sư Tích.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đã được phê duyệt gồm Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh và Tiểu học Duy Tân. Hiện nay, dự án Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đang triển khai xây dựng giai đoạn 4 và Trường Tiểu học Hồng Quang đang triển khai xây dựng. Đồng thời kiến nghị thành phố xem xét thu hồi các lô đất có diện tích lớn đã hết thời hạn cho thuê đối với doanh nghiệp để xây dựng trường học.
Thiên Phúc
Bình luận (0)