Trăn trở trước giá trị của con cá trích không tương xứng công sức lao động của ngư dân ngày đêm lênh đênh mưu sinh trên biển, chị Võ Thị Hạnh Dung (SN 1991), trú phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã khởi nghiệp các sản phẩm dinh dưỡng từ cá trích, giúp nâng tầm giá trị của loài cá này.
Cá trích đổi phận
Gắn bó với vùng biển Nam Ô (quận Liên Chiểu) nhiều năm, chị Dung không ít lần tần ngần đứng nhìn những con thuyền thúng của bà con ngư dân vào bờ đầy ắp cá trích tươi nhưng lại bán với giá rẻ. Thương những đôi mắt ngư dân trũng sâu, làn da sạm nắng gió, một lần chị Dung mua thử mớ cá trích về gỡ thịt, bỏ xương rồi rang cho con nhỏ ăn. Vốn là một đứa trẻ khó ăn nhưng bữa cơm với cá trích đã gây hứng thú cho con mình. Ý tưởng khởi nghiệp từ chà bông cá trích bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của chị Dung từ đó.
Từng tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Trường CĐ Bách khoa Đà Nẵng, ngành y sĩ Trường CĐ Lạc Việt, chị Dung có nhiều năm công tác tại một trường THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng với vai trò là nhân viên y tế. Ngoài ra, chị còn tham gia nhiều khóa học dinh dưỡng và dày công tìm hiểu, biết được loài cá trích rất giàu dinh dưỡng, nhất là omega 3, DHA, protein và vitamin D… “Ban đầu tôi tìm đến các chủ tàu thuyền để đặt vấn đề thu mua sản phẩm cá trích từ bà con với mong muốn mua được những mẻ cá tươi, ngon nhất. Tiếp đó là đầu tư trang thiết bị để chế biến các sản phẩm từ loài cá này. Nói thì dễ nhưng quá trình làm cũng gặp nhiều khó khăn. Thực phẩm từ cá trích lâu nay chưa ai làm nên việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm dường như không có. Mặt khác, thời điểm ấy đang diễn ra dịch Covid-19 nên càng thêm hạn chế nhiều thứ. Tuy nhiên, tôi luôn đặt mục tiêu làm ra sản phẩm thực phẩm sạch, ngon vì không ai khác, chính con cái mình sẽ là người đầu tiên sử dụng”, chị Dung chia sẻ.
Để làm được 1kg chà bông từ cá trích, chị Dung phải sử dụng hơn 5kg cá trích tươi. Quá trình chế biến phải hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ, từ việc làm sạch cá đến kỹ thuật xay, hấp, bảo quản… Còn nhớ ngày đầu, để hoàn thành một công thức cho ra sản phẩm thành công, chị phải trải qua nhiều thất bại.
Hoàn thiện được sản phẩm chà bông cá trích, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng nhưng chị Dung vẫn chưa yên tâm. Nếu chỉ sử dụng nạc cá để làm chà bông thì sẽ lãng phí lượng xương cá không nhỏ. Thế là chị nghĩ cách làm bột nêm cá trích từ xương cá kết hợp với củ cải, cà rốt, hành trắng, nấm đông cô. Ít lâu sau sản phẩm nước mắm cá trích được chị Dung tiếp tục nghiên cứu và ủ mắm thành công, cho ra sản phẩm thơm, ngon đậm vị. Từ những con cá trích giá rẻ, qua bàn tay và khối óc của nữ y sĩ 9x trở thành những món ăn ngon, giàu giá trị dinh dưỡng.
Liên kết cùng phát triển
Mục tiêu của chị Dung bên cạnh sự sáng tạo góp phần nâng tầm, khẳng định giá trị của loài cá trích, còn hướng đến sự sẻ chia với ngư dân và lao động trên địa bàn. Nam Ô là làng biển, bà con ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn do cá tôm ngày càng cạn kiệt, giá trị cá tôm đánh bắt về không cao. Ngư dân Nguyễn Tấn Châu cho biết: “Từ trước tới nay, cứ vào vụ cá nam (từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 8) là tôi đánh bắt được nhiều cá trích. Loài cá này ăn ngon, thơm thịt nhưng do quá nhiều xương nên không được thị trường ưa chuộng. Công việc vươn khơi rất vất vả và tốn kém nhưng cá đưa vào bờ bán rất khó và rẻ mạt. Hai năm nay, tôi ký kết bán hàng cho chị Dung nên giá cả ổn định hơn, nhất là không lo cá ế. Nhờ đó, tôi thấy rất phấn khởi và yên tâm khi đánh bắt được nhiều cá trích”.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Võ Thị Hạnh Dung nói: “Khởi nghiệp không bao giờ là câu chuyện dễ dàng và suôn sẻ từ đầu đến cuối. Đó là cả một hành trình nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến. Đó là chưa kể phải vượt qua nhiều rào cản khác. Dù vậy, tôi rất vui khi góp phần lan tỏa giá trị sống đến cộng đồng và luôn nỗ lực vì điều đó”. |
Tính đến nay, chị Dung đã ký kết thu mua cá trích từ 17 hộ ngư dân ở Nam Ô. Điều này, góp phần giúp các ngư dân an tâm vươn khơi, nâng cao đời sống kinh tế. Sau 2 năm khởi nghiệp, cơ sở của chị Dung cũng tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, đa phần là lao động nữ. “Tôi đặt mục tiêu phát triển sản xuất để thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển khởi nghiệp và bảo vệ môi trường”, chị Dung nói.
Chị Dung đã phát triển hệ thống phân phối sản phẩm đa dạng qua nhiều kênh: bán lẻ truyền thống, quảng bá và bán sản phẩm online. Khách hàng khắp nơi trong cả nước đều tìm mua. Nhờ đó, quy mô sản xuất được mở rộng, đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại. Trong vòng 1 năm trở lại đây, cơ sở của chị Dung đã cung cấp ra thị trường gần 15.000 sản phẩm, chủ yếu là mặt hàng chà bông cá trích.
“Dù vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình khởi nghiệp, tìm kiếm sự ổn định trong từng tập khách hàng tiêu dùng nhưng tôi vẫn luôn nỗ lực để duy trì và phát triển cơ sở với mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao trong bữa ăn gia đình hàng ngày, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, làm cầu nối để ngày càng có nhiều ngư dân cũng như lao động kiếm được thu nhập và có việc làm. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà tôi luôn hướng tới”, chị Dung nói.
Phan Lệ
Bình luận (0)