Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao 10 điểm sáng toàn ngành giáo dục đã tập trung thực hiện hiệu quả năm học qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại cần khắc phục; đồng thời, yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng các bộ ngành có liên quan chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

 

10 điểm sáng trong năm học cũ

Tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành giáo dục để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học vừa qua; trong đó có 10 điểm sáng,

Thứ nhất, công tác tổng kết Nghị quyết 29 được tập trung thực hiện và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12-8-2024. Trong đó có một số điểm mới quan trọng như: Lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; ưu tiên đầu tư cho giáo dục – đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục – đào tạo tiếp tục được quan tâm. Hệ thống quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trong đó, đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới đây.

Thứ ba, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đảm bảo tốt nhất quyền lợi học tập của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu đào tạo nhân lực cho đất nước.

Thứ tư, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả. Trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục ở tất cả cấp học; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến; phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.

Thứ năm, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển.

“Tôi rất khuyến khích việc này, sẽ chỉ đạo các tỉnh tập trung xây dựng các trường bán trú, nội trú. Đây là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước để các em có khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục” – Thủ tướng nêu.

Thứ sáu, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, quốc tế; thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao.

Thứ bảy, đào tạo giáo dục ĐH ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Khung trình độ quốc gia Việt Nam tiếp tục được triển khai hiệu quả. Đồng thời, tập trung chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới như công nghiệp chip bán dẫn, AI.

“Hoan nghênh các cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện lùi thời gian tăng học phí để cùng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau Covid-19, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên được học tập” – Thủ tướng nói.

Thứ tám, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm ngày càng minh bạch hơn; tăng cường tính thuận tiện cho cơ sở đào tạo và thí sinh, góp phần tiết kiệm nguồn lực xã hội, đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Thứ chín, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế. Chất lượng đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở tất cả các cấp học.

Thứ mười, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các cơ sở giáo dục – đào tạo đã triển khai phần mềm quản trị cơ sở giáo dục trên nền tảng dữ liệu, công nghệ số. Chuyển đổi số đã tác động rất lớn đến thói quen, quy trình, phương pháp quản trị của cơ sở giáo dục.

 

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới

Giảng viên Trường ĐH Văn Hiến trong một giờ dạy sinh viên

Bên cạnh kết quả đạt được Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập; còn thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, nhất là giáo viên thời đại số, thời đại 4.0. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên; nhất là ở các thành phố lớn hoặc những địa bàn khó khăn.

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp; nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo. Tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu.

Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao. Quy mô đào tạo trình độ ĐH các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp… còn thấp.

Trong năm học 2024-2025 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5-9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị; bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91, trình Chính phủ ban hành trong quý III năm 2024.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo và các quy hoạch giáo dục – đào tạo.

Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Mê Tâm

Bình luận (0)