Sự kiện giáo dụcTin tức

Thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển đang thu hút đầu tư

Tạp Chí Giáo Dục

Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu.

 

Song việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn cho phát triển các dự án carbon hiệu quả.

Chiều 22-8, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phối hợp Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Viện Nghiên cứu môi trường (ĐH Adelaide, Úc) tổ chức tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”.

Tọa đàm nhằm cập nhật thông tin khoa học về thị trường carbon, chia sẻ kiến thức, hợp tác để xây dựng những dự án carbon xanh chất lượng cao.

TS. Trần Đình Lý (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) phát biểu

Tại tọa đàm, TS. Trần Đình Lý (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhận định, thị trường carbon đang trở thành một vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Rừng ven biển không chỉ đóng vai trò như một lá chắn tự nhiên bảo vệ các vùng đất khỏi thiên tai mà còn là nơi hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều và cỏ biển) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; đồng thời đảm bảo sinh kế, an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ carbon cao hơn rất nhiều so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu.

“Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi. Việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong phát triển các dự án carbon hiệu quả”- TS. Lý đánh giá.

Cũng theo ông Lý, Việt Nam với đường bờ biển dài và hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu; đã có những chính sách tiên tiến nhằm bảo vệ, mở rộng và nâng cao chất lượng rừng, hệ sinh thái ven biển.

Nước ta cũng đã đặt ra mục tiêu cao trong việc phát triển thị trường carbon rừng, bao gồm cả carbon xanh để tạo ra cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lý cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và cộng đồng là điều kiện tiên quyết để tìm ra những hướng đi sáng tạo, hiệu quả; góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng đã bàn thảo nhiều giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy quản lý bền vững và khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên từ hệ sinh thái rừng ven biển, không chỉ hướng đến bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Ông Vũ Tấn Phương (Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững – VFCO) trình bày thông tin tại tọa đàm

Ông Vũ Tấn Phương (Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững – VFCO) khuyến nghị cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng; trong đó xác định rõ tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư.

Cùng với đó, đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện; nhất là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định. Đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ cho đo đạc, báo cáo và thẩm định.

Chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội. Tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon; đảm bảo hiệu quả thực hiện.

Được biết, sáng mai (23-8), tọa đàm tiếp tục diễn ra với phần thảo luận cùng hai báo cáo chủ đề: “Thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm khi đưa tin về thị trường carbon rừng nói chung và carbon từ hệ sinh thái ven biển nói riêng”; “Thực trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn và trữ lượng carbon rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Mê Tâm

Bình luận (0)