Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

TP.HCM đẩy mạnh phương pháp giáo dục tiên tiến vào giáo dục mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên giáo dục mầm non TP.HCM tổ chức Ngày hội kết nối phát triển giáo dục mầm non, qua đó đẩy mạnh vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến vào giáo dục trẻ mầm non.

Lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Ngày hội kết nối phát triển giáo dục mầm non

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức Ngày hội kết nối phát triển giáo dục mầm non. Ngày hội quy tụ 30 gian hàng là các mô hình liên quan đến giáo dục mầm non, không chỉ mang đến sự gắn kết, giao lưu tìm hiểu giữa các đơn vị kết nối giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non mà còn giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu, tài liệu, học liệu cho chương trình giáo dục mầm non; trẻ làm quen tiếng Anh; các hình thức, phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới; các phần mềm ứng dụng; các sản phẩm an toàn…

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, qua việc tham quan, tìm hiểu các gian hàng sẽ giúp các đơn vị nghiên cứu chọn lựa vận dụng các nội dung trên phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, ngày càng nâng cao chất lượng thực hiện và phát triển chương trình giáo dục mầm non.

Phát biểu tại ngày hội, bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, thông qua Ngày hội kết nối phát triển giáo dục mầm non sẽ phát huy tính tích cực của các cơ sở giáo dục mầm non trong việc kết nối với các đơn vị giáo dục để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; đặc biệt đổi mới phương pháp giáo dục cho trẻ theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kỹ năng cho trẻ phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, nhất là việc vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến vào giáo dục trẻ.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu đề nghị Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT thành lập tổ đánh giá ghi nhận báo cáo kết quả tổ chức ngày hội, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức để những năm sau được hoàn thiện hơn.

Đề nghị phòng GD-ĐT các quận, huyện, TP.Thủ Đức cần định hướng các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn vận dụng phù hợp các nội dung để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thành lập ban lựa chọn nội dung và tài liệu theo đúng quy định tại Thông tư 30; Thông tư 47 về thẩm định phê duyệt và lựa chọn tài liệu dể sử dụng tại các cơ sở giáo dục.

Ngày hội quy tụ 30 gian hàng với nhiều mô hình giáo dục tiên tiến

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, bà Châu đề nghị nghiêm túc thực hiện, thành lập ban lựa chọn nội dung và tài liệu theo đúng quy định; nghiên cứu các nội dung phù hợp; tổ chức lấy ý kiến cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ một cách chặt chẽ, thống nhất các nội dung lựa chọn và thực hiện theo đúng quy định.

Năm học 2024-2025, TP.HCM có 1.308 trường mầm non cùng gần 2.000 nhóm, trẻ, với tổng số gần 322.000 trẻ, tăng thêm hơn 6.200 trẻ so với năm học 2023-2024.

Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 910 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh, đạt tỷ lệ 72,9%. Trong đó, công lập là 448 trường, tỷ lệ 94,5%; ngoài công lập là 462 trường, tỷ lệ 59,6%; Số lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh là 468 lớp, tỷ lệ 23,9%.

Tổng số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh trong năm học là 162.993 trẻ, tỷ lệ 57,2%. Trong đó công lập đạt 58,5% với 95.345 trẻ; ngoài công lập đạt 41,5% với 67.648 trẻ.

Yến Hoa

Bình luận (0)