Để chạm giấc mơ trở thành cô giáo – người truyền lửa trên bục giảng, những nữ sinh ấy thay vì sử dụng quyền ưu tiên hoặc chọn khối thi theo năng lực sở trường, họ đã vượt qua thử thách bản thân, quyết tâm chinh phục con đường mình chọn lựa!
Vượt qua chính mình
Trần Thị Kim Ngân, học sinh Trường THPT Thu Xà (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) sinh ra trong gia đình có 3 anh em. Cất tiếng khóc chào đời, Ngân không may mắc căn bệnh thiếu nhiễm sắc thể, sức khỏe vì thế không được bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn kèm theo sức khỏe khiếm khuyết, đường đến trường của Ngân là cả một hành trình đầy nỗ lực.
Không may khiếm khuyết về thân thể nhưng không vì thế mà Ngân cảm thấy khó khăn khi đến trường. Ngân luôn có thành tích học tốt, nhất là môn tiếng Anh. Ngân bảo, trường quê, việc theo học được môn tiếng Anh vẫn còn nhiều thiệt thòi so với những nơi khác nhưng đam mê, em đã tìm nhiều giải pháp để học tốt. “Em thường nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Anh. Mỗi ngày, em dành thời gian cho môn học này nhiều hơn một chút so với các môn khác. Để ghi nhớ từ vựng, em chọn cách học một số từ nhất định và sẽ bắt đầu ôn tập lại nó vào hôm sau, từ nào quên em sẽ học lại nhiều lần, học theo chủ đề để linh hoạt trong sử dụng từ ngữ giao tiếp”, Ngân cho biết.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Ngân nằm trong diện được miễn thi. Tuy vậy, Ngân vẫn quyết tâm xin được dự thi. Với tổng điểm 3 môn khối D 26 điểm, Ngân chọn nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng. “Em muốn tham gia kỳ thi để vượt qua chính bản thân mình và tìm kiếm cơ hội chinh phục giấc mơ trở thành cô giáo để thỏa ước mơ được đứng trên bục giảng và cũng là cách truyền động lực cho các bạn đi sau mình”, Ngân nói.
Nguyễn Thị Kim Chi, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đỗ ĐH ngành sư phạm tiểu học sớm, từ khi chưa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chi quê ở xã Trà Don (huyện Nam Trà My). Bố Chi mất sớm, một mình mẹ làm nương rẫy nuôi 3 anh em ăn học. Cuộc sống vô cùng khó khăn. “Để thoát ra khỏi sự vất vả, khó nghèo quẩn quanh trong bản làng này, em thường tự nỗ lực với ý nghĩ học là con đường tốt nhất”, Chi nói. Ba năm trước, Chi may mắn được nhận học bổng “Đi học trên núi” do CLB Bạn thương nhau Đà Nẵng tổ chức. Ước mơ như được tiếp thêm động lực để Chi học tập tốt hơn. Mùa hè năm trước, Chi cũng được chương trình học bổng này tổ chức du lịch về thăm thú Đà Nẵng, dành cho học sinh có kết quả học tập tốt. Chi bảo, em thấy Đà Nẵng rất đẹp. Trước đây, mỗi lần buồn em nhìn dãy núi trước mặt và tự hỏi, không biết bên kia núi có những gì? Từ khi được tham quan Đà Nẵng, em đã biết nhiều hơn. Em nuôi quyết tâm được về thành phố theo học ĐH để trở lại bản làng dìu dắt các em nhỏ bước tiếp trên hành trình tương lai. Đó cũng là lý do, dù đã đỗ ĐH bằng kết quả học bạ và ngành sư phạm tiểu học – ĐH Quảng Nam, Chi vẫn quyết tâm hoàn thành tốt các bài thi của mình để ghi nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm tiểu học – ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng.
Đổi khối thi để thực hiện ước mơ
Vượt qua nhiều gương mặt xuất sắc, Đặng Lâm Thanh Vân – học sinh lớp 12/13 Trường THPT Ông Ích Khiêm (TP.Đà Nẵng) trở thành thủ khoa khối C tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với tổng điểm 3 môn đạt 29 điểm (văn 9,25 điểm, sử 9,75 điểm và địa 10 điểm). Gặp Vân sau ngày biết kết quả thi, Vân bảo, em vẫn chưa hết bất ngờ và vui mừng khi mình đạt được thành tích tốt. Quá trình làm bài thi em đã nỗ lực hết sức nhưng không nghĩ mình đỗ thủ khoa.
Vân chia sẻ, từ lâu em đã đam mê môn văn và tiếng Anh. Ban đầu em định hướng chọn thi khối D1 vào ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, kết thúc học kỳ I năm học lớp 12 vừa qua, vì ước mơ được trở thành cô giáo nên Vân quyết định chọn khối C để thi vào sư phạm. “Đó là quyết định có phần mạo hiểm và rất khó khăn. Mặc dù môn văn là môn sở trường của em ngay từ khi còn học THCS và tiếp tục được duy trì trong những năm học THPT nhưng môn sử và địa với em không phải là thế mạnh. Để bắt kịp kiến thức hai môn học này, em phải phân chia thời gian học tập một cách hợp lý và ưu tiên cho sử và địa để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như đặt mục tiêu xét tuyển ĐH.
“Trong quãng thời gian ngắn, việc nắm kiến thức các môn học mà trước đó em ít quan tâm thật sự không hề dễ dàng. Em thường cố gắng nắm bắt nội dung bài giảng của thầy cô ngay trên lớp và tập trung ghi nhớ. Ngoài việc thực hành làm đề thi theo cấu trúc minh họa của Bộ GD-ĐT, em còn dành thời gian học thêm, luyện đề thi trên mạng, đề thi ở các tỉnh, thành trên cả nước. Với môn sử em chọn cách nhớ các mốc thời gian, bởi đây là phương án để loại trừ. Em nắm kỹ về đặc điểm sự kiện lịch sử để biết sự kiện này là gì, liên quan đến lịch sử như thế nào… từ đó sẽ tìm hướng đi hiệu quả. Với môn địa thì em khá chật vật. Lâu nay em hay rằng, địa là môn học thuộc bài nhưng thực chất nó hoàn toàn khác so với tưởng tượng. Học bài và thuộc lòng chưa đủ. Em may mắn được cô giáo Đỗ Thị Diệu, giáo viên dạy môn địa hướng dẫn tìm ra một lối đi hiệu quả trong khi học tập. Cô đã bày em cách học từ khóa, biết được bản chất từ khóa đó. Đặc điểm từng vùng miền, có gì đặc biệt, từ đó bắt đầu tìm lời giải. Phải tập giải nhiều dạng đề để dần quen và nâng cao kỹ năng làm bài”.
Vân chọn nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm ngữ văn – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng để trở thành một cô giáo dạy văn. “Môn văn mang lại cho em nhiều cảm xúc. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo dạy văn, truyền cảm hứng, kiến thức văn học đến thế hệ học sinh”, Vân nói.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)