Không cần thuyền lớn để vươn khơi, hành trang làm nghề của ngư dân vùng biển lộng Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) là những con thuyền công suất nhỏ vẫn đảm bảo an toàn. Nắng gió nơi đây mang hương biển mặn mòi, những mùa tôm cá luôn trải dài theo các tháng trong năm. Tháng 2, tháng 3 có cá trích, cá ong; Tháng 4 là mùa cá hố; tháng 6 có cá nục. Riêng mực nang, mực ống, mực cơm thì kéo dài rải rác từ đầu năm đến tận độ giữa thu.
Sống nhờ lộc biển
Năm nay bước qua tuổi tám mươi nhưng mỗi lần nhắc đến biển, ông Hồ Hồng ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn vẫn khẳng khái, say mê. Ông cho biết: “Sống gần biển thì phải bám vào biển, dựa vào biển. Gia đình tôi trước đây chỉ nhờ một chiếc thuyền nhỏ ba ông để lại vẫn có thể sống tốt, nuôi lớn sáu người con trưởng thành. Trải qua bao mùa sóng, bây giờ, đứa nào cũng gắn bó, làm nghề liên quan đến biển”.
Tre già măng mọc – khi ông Hồ Hồng không còn đủ sức để vươn khơi thì anh Hồ Quang Luận, con trai ông lại tiếp nối hành nghề. Anh Luận kể: “Tôi không bao giờ quên được những buổi sáng tinh sương, khi tôi cùng mẹ ra ngồi trên bãi cát dài để ngóng đợi ba. Tôi lúc đó còn nhỏ nên muốn ba mang về thật nhiều tôm cá, còn mẹ tôi cứ nhấp nhổm theo từng con sóng chỉ mong thấy bóng dáng ba trở về an toàn. Sau này, tôi được ba dạy làm nghề, năm 15, 16 tuổi đã có một con thuyền riêng. Tính đến bây giờ, tôi đã có hơn 30 năm kinh nghiệm vươn khơi bám biển”.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, ngoài mực nang, mực lá thì mực cơm, mực ống kéo về vùng biển Quảng Ngạn khá nhiều. Đây là loại mực ngon, có giá cao. Với phương châm bám biển làm giàu, chiều tối nào, anh Luận cũng có mặt trong đoàn thuyền của làng hướng về phía biển. Đêm ít, anh câu được khoảng 3kg mực, đêm nào nhiều thì hơn 5kg, mang về nguồn thu từ 1 đến 2 triệu đồng.
Cũng như anh Luận, anh Hoàng Quang, Ngô Khương ở Tân Mỹ cũng đã sớm trang bị lại thuyền bè, ngư lưới cụ để tranh thủ mùa biển đang có lộc. Những chiếc thuyền nan công suất dưới 20CV được lắp thêm vài chiếc bình ắc quy mới, các loại vợt, cần câu và lưới, trở thành người bạn thân thiết cùng dân làng vươn khơi. Anh Ngô Khương kể: “Khoảng 4 giờ mỗi chiều, sau khi nhận từ tay vợ bình nước, hộp cơm, mỗi người mỗi thuyền, chúng tôi di chuyển ra vùng biển lộng để câu mực, đánh cá. Mùa biển năm nay tuy không trúng lớn nhưng ngày nào cũng đều đặn, chỉ cần rời bờ là có sản lượng mang về. Cứ chịu khó “năng nhặt” thì nhà nào cũng “chặt bị”, thoải mái chi tiêu”.
Muôn đời yêu biển
Những bậc trưởng bối như ông Hồ Hồng xưa nay truyền khẩu nhau, làng Tân Mỹ có nguyên quán là làng Diêm Hà, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Sau này, theo con nước mưu sinh, họ đã di dạt về vùng cát trắng thuộc vùng biển Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế để quần cư. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, lớp lớp người dân chịu thương chịu khó, bám biển lập nên làng quê nơi chân sóng. Ông Hồng kể: “Trước đây, tôi thường nghe ông bà mình kể về những điều đặc biệt của biển quê hương. Dựa trên những đặc tính về luồng nước, nhiệt độ, địa chất mà chất lượng các loại thủy sản tính từ vùng biển đèo Hải Vân trở ra sẽ luôn thơm ngon, giòn ngọt hơn các vùng biển khác. Qua thực tế trải nghiệm ẩm thực ở nhiều miền, dân làng chúng tôi thấy sự truyền khẩu này rất có cơ sở. Khi thiên nhiên đã dành cho con người nhiều đãi ngộ, chúng tôi sẽ không bao giờ rời biển, mỗi ngày chúng tôi càng biết ơn và yêu biển nhiều hơn”.
Với ngư dân, mùa đi biển thuận lợi nhất kéo dài từ ra giêng cho đến tháng 7 âm lịch. Trong khoảng thời gian này, nước biển ấm, lặng gió, sóng êm, các loài thủy sản như mực, cá ong, cá hố, cá trích, cá thiểu dễ dàng sinh sôi, kéo thành đàn bơi về vùng biển lộng. Anh Ngô Khương kể: “Làm nghề biển ngoài sức khỏe tốt còn cần tính bền bỉ, tin tưởng và biết chờ đợi. Bởi không phải năm nào tôm cá cũng về. Có quãng thời gian dài như cả năm ngoái, năm kia, không hiểu vì lý do gì mà các loài thủy sản có giá trị rất thưa thớt, dân làng đành ngậm ngùi “bấm bụng”. Tuy nhiên chẳng ai có ý định bỏ nghề. Những chiếc nan đến mùa vẫn được kiểm tra, tu sửa, sẵn sàng cùng chủ vươn khơi. Biển vẫn là mái nhà chung để chúng tôi hẹn ước, đều đặn đi về”.
Hiện tại, cùng với lợi thế về đặc điểm vùng bờ đẹp, cát mịn, nước biển trong xanh cùng vị ngon của những loài hải sản đánh bắt được tại chỗ, chính quyền địa phương đã đầu tư phát triển bãi biển Tân Mỹ thành Khu du lịch biển Tân Mỹ với nhiều dịch vụ hấp dẫn thu hút du khách gần xa.
Những hộ như gia đình anh Hồ Quang Luận, anh Hoàng Quang, Ngô Khương bây giờ không chỉ đơn thuần dựa vào biển để khai thác, đánh bắt, với tấm lòng yêu biển, họ mạnh dạn, năng động vừa phát triển kinh tế vừa lan tỏa, quảng bá những đặc sản, nét đẹp của quê hương đến rộng rãi mọi người.
Phía Đông mặt trời hồng vừa nhú, trên chiếc thuyền nan mang theo lộc biển cập bờ, những người đàn ông vùng biển Quảng Ngạn trên môi không ngớt những nụ cười. Trên bờ cát dài cũng đang lao xao những tin yêu, cười nói của những người vợ, những hỏi han, ngã giá của nhóm lái thương.
Thiên Phúc – Bích Giang
Bình luận (0)