Sự kiện giáo dục

Giúp học sinh bắt nhịp nhanh với năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM học tuần đầu tiên trong năm học mới từ ngày 9-9. Thời điểm đầu năm học, các trường dành nhiều thời gian để ổn định nền nếp, giúp học sinh bắt nhịp với năm học mới…

Cô Cao Huỳnh Khánh Linh (giáo viên chủ nhiệm lớp 6A3, Trường THCS Khánh Hội) hướng dẫn học sinh về thời gian vào học

Dành thời gian thấu hiểu tâm lý học sinh

Trong suốt thời gian tuần đầu tiên trong năm học mới, cô Lê Thị Yến (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Phan Văn Trị, quận 1) tập trung rèn học sinh nền nếp, thói quen của học sinh tiểu học, ổn định trong môi trường mới, tổ chức nhiều hoạt động để làm quen với học sinh trong lớp. Sĩ số lớp học không cao, chỉ với 27 học sinh là thuận lợi cho cô trong năm học này.

Mỗi bé với một tâm lý riêng, đang từ trong vòng tay ba mẹ sẽ rất bỡ ngỡ khi đến trường mới. Giáo viên quan tâm, lắng nghe ý kiến của các bé để có sự hỗ trợ, cùng phụ huynh để bé đến lớp tốt hơn. Giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động trò chơi để thu hút trẻ, giúp trẻ hào hứng với môi trường mới.

“Để trẻ lớp 1 nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, ngoài sự cố gắng của giáo viên thì rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh hãy luôn động viên trẻ, hướng dẫn trẻ làm các công việc cá nhân, cùng giáo viên rèn cho trẻ các kỹ năng tự lập cần thiết nhất để con luôn vui tươi, hào hứng mỗi ngày đến trường” – cô Lê Thị Yến nhắn gửi.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) lại dành thêm thời gian đầu năm học mới để “dạy” trẻ tham gia bán trú. Giáo viên chủ nhiệm sắp xếp, phân công trong lớp học…

Cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay sau khai giảng TP.HCM vẫn dành thời gian vài ngày để các nhà trường ổn định nền nếp học tập. Điều này giúp tạo thuận lợi cho nhà trường, giáo viên hướng dẫn học sinh, từ nền nếp, kỹ năng cho đến việc học tập…

“Năm học mới, nhà trường đưa thêm vào chương trình nhà trường nội dung mới theo quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đó là giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Đồng thời thực hiện triển khai học bạ số ở cả cấp tiểu học cho học sinh. Do vậy, khoảng thời gian trước khi bước vào tuần đầu tiên của năm học mới nhà trường tiếp tục tổ chức tập huấn cho giáo viên về những nội dung mới này, đảm bảo rằng triển khai nhịp nhàng, hiệu quả nhất trong năm học mới…” – cô Chi chia sẻ.

Buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng, cô Cao Huỳnh Khánh Linh (giáo viên chủ nhiệm lớp 6A3, Trường THCS Khánh Hội, quận 4) dành nhiều thời gian nhắc nhở học sinh về thời khóa biểu, thời gian vào học, thời gian bán trú, chuẩn bị sách tập, đồng phục. Đồng thời hoàn thiện cơ cấu tổ chức lớp…

Theo cô, học sinh lớp 6 chuyển cấp từ bậc tiểu học lên nên sẽ có rất nhiều hoạt động ở bậc THCS mà các em chưa quen, từ môi trường, lớp học, bạn bè cho đến phương pháp học tập, các bộ môn, kiểm tra đánh giá… Đặc biệt, năm nay các em cũng sẽ tiếp cận với Chương trình GDPT 2018 chứ không phải là Chương trình 2006 các em học ở bậc tiểu học.

Cụ thể, trong chương trình THCS hiện nay, các em sẽ được làm quen với các môn học mới như Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Công nghệ; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; Giáo dục địa phương… Ngoài ra, trong chương trình nhà trường, các em cũng sẽ được tiếp cận với nhiều hoạt động và nội dung giáo dục mới.

Do vậy, để các em sớm có thể làm quen và nhanh chóng bắt nhịp với việc học các môn học ở khối lớp 6, không cảm thấy “quá tải” thì từ ngay đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn chú trọng hướng dẫn học sinh về phương pháp học ở từng môn học. “Quan trọng nhất là phải tạo được tâm thế vui tươi, thoải mái cho học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường, đến lớp để các em hào hứng bước vào năm học. Chính vì thế, trong những ngày đầu năm học mới,giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động mang tính kết nối để các em học sinh trong lớp gắn kết, làm quen với nhau. Các em cũng được tự giới thiệu về bản thân mình để làm quen với bạn bè, làm quen với thầy cô, tạo không khí vui vẻ trong lớp học” – cô Cao Huỳnh Khánh Linh chia sẻ.

Đầu năm học, các trường tổ chức nhiều hoạt động để tạo tâm thế vui tươi cho học sinh

Học sinh nên đặt các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để phấn đấu

Theo chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thông thường sau 1 kỳ nghỉ hè dài, trở lại trường học trong năm học mới, học sinh sẽ mất từ 1-2 tuần để có thể bắt nhịp được với nhịp học tập ở trường.

Vì vậy, trong thời gian đầu năm học mới, mỗi học sinh cần tập trung hình thành cho bản thân các thói quen, nền nếp khi trở lại trường, như việc ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, dậy sớm, ăn sáng… Các em cũng nên xây dựng một thời gian biểu cụ thể trong việc học, đặt các mục tiêu rõ ràng để bản thân phấn đấu.

Các hoạt động khởi động đầu năm thì cần nhẹ nhàng, không nên dồn ép bản thân ngay đầu năm phải có các thành tích vượt trội như bạn bè với áp lực đồng trang lứa. Khi cơ thể đã làm quen với nhịp học tập rồi thì việc học, tiếp thu kiến thức cũng sẽ hiệu qủa hơn.

“Khi xây dựng các mục tiêu thì các em nên đặt các mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Ví dụ, các em có thể đưa ra những kỳ vọng trong năm học này mình sẽ kết thúc năm học bằng danh hiệu gì. Như vậy thì mục tiêu ngắn hạn là từng học kỳ sẽ cần đạt được những thành tích nào, từ đó các em sẽ có cơ sở đặt ra mục tiêu phù hợp nhất cho từng môn học… Đặc biệt là khi đặt mục tiêu thì phải phù hợp với khả năng của mình chứ không nên quá xa vời mà đặt ra áp lực nặng nề cho bản thân” – chuyên gia này khuyên.

Ngày 9-9, học sinh TP.HCM chính thức học tuần đầu tiên trong năm học mới

Về phía phụ huynh học sinh, chuyên gia Đào Lê Tâm An khuyên rằng để học sinh bắt nhịp dễ dàng, nhanh chóng với việc học, đến trường với niềm vui, để việc học hiệu quả thì mỗi phụ huynh cần cởi bỏ được áp lực sự kỳ vọng vào con. Thay vào đó cần quan tâm, đồng hành với việc học của con mỗi ngày, trò chuyện để con chia sẻ việc học ở trường, các mối quan hệ ở lớp… cùng con tháo gỡ những khó khăn, khuyến khích động viên con phấn đấu đạt những mục tiêu mà con đặt ra trong năm học.

“Cha mẹ đóng vai trò là điểm tựa vô cùng quan trọng cho mỗi học sinh trong thời gian các em cắp sách đến trường. Sự quan tâm, động viên kịp thời của ba mẹ sẽ giúp các em có thể chia sẻ những khó khăn, vấn đề mà mình đang gặp phải ở trên lớp, trên trường; chia sẻ về những mong muốn, nguyện vọng của bản thân… Có như vậy, việc học mới thực sự là nhẹ nhàng” – chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An nhắn nhủ.

Yến Hoa

Bình luận (0)