TP.HCM đã và đang nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, Startup tiếp cận quỹ đầu tư trong và ngoài nước để nghiên cứu sản phẩm, mở rộng thị trường.
Startup giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại SIHUB để mở rộng thị trường
Hệ sinh thái khởi nghiệp ngang tầm khu vực
Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025 của Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM vừa được UBND TP phê duyệt vào đầu tháng 3-2021 nhằm tăng cường kết nối và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho biết mục tiêu của đề án là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực, là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên. Theo bà Trúc, để thực hiện mục tiêu của đề án này, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, TP.HCM đang có một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững chắc, trong đó có các quỹ đầu tư hỗ trợ Startup, các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở ươm tạo. Các trường ĐH cũng sẽ đưa nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy nhằm sớm khơi gợi sức sáng tạo, nhiệt huyết khởi nghiệp sáng tạo của giới trẻ. TP.HCM cũng đang thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021. Viện sẽ là địa chỉ gắn kết giữa các trường, viện nghiên cứu với doanh nghiệp… nhằm đưa sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. “Thời gian qua TP.HCM phát triển mạnh về mạng lưới Startup, cho ra đời nhiều ứng dụng công nghệ, tuy nhiên vẫn còn chạy theo phong trào, theo xu hướng của nước ngoài, chưa thật sự chú trọng đến phục vụ xã hội. Dẫn chứng là những ứng dụng phục vụ giảng dạy trực tuyến, tài liệu học tập STEM còn hạn chế so với nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Vì vậy, các cơ sở ươm tạo cần đẩy mạnh hỗ trợ cho Startup phát triển những ứng dụng phục vụ cho ngành giáo dục cũng như phục vụ lợi ích xã hội theo định hướng phát triển của TP.HCM”, ông Dũng đề nghị.
Kết nối Startup với quỹ đầu tư
Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học – Công nghệ, SIHUB (Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) đã công bố chuỗi chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo SIHUB – Expara năm 2021”. Theo ông Huỳnh Kim Tước (CEO SIHUB), chuỗi chương trình được thai nghén ý tưởng và phát triển trên nền tảng của nhiệm vụ mà TP.HCM giao cho SIHUB. Đây là một nhiệm vụ mang tính tiên phong, áp dụng những mô hình và định dạng thành công từ thị trường quốc tế để đem lại những đổi mới sáng tạo và dấu ấn mới trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho hệ sinh thái trong và ngoài nước. Trong năm 2021, chuỗi hoạt động tăng tốc sẽ tập trung vào 3 chương trình chính, gồm: Thứ nhất, chương trình tăng tốc khởi nghiệp SIHUB khóa 3-2021, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9-2021 với 4 tháng tăng tốc cho tối đa 20 Startup và nhiều hoạt động bên lề khác. Tham gia chương trình, các Startup xuất sắc sẽ có cơ hội nhận được đầu tư lên đến 150.000 USD. Đồng thời có cơ hội tiếp cận hơn 20 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như được đội ngũ chuyên gia hàng đầu đến từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan… và Việt Nam trực tiếp đào tạo, cố vấn, thúc đẩy hoàn thiện mô hình kinh doanh và mở rộng thị trường. Thứ hai, chương trình tăng tốc Spin-off, Spin-out dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển từ các trường CĐ-ĐH, viện nghiên cứu. Các dự án tham gia chương trình này ngoài việc được hỗ trợ tăng tốc, sẽ được giúp tìm kiếm quỹ đầu tư tài chính để hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu, cũng như hỗ trợ quản lý và vận hành doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Năm nay, chương trình dự kiến tuyển chọn 100 dự án tham gia, tăng tốc cho 10 dự án và đặt mục tiêu thương mại hóa cho 2 dự án. Thứ ba, chương trình tăng tốc, tư vấn và kết nối tài chính cho các doanh nghiệp chuẩn bị phát hành cổ phiếu (IPO). Chương trình sẽ bao gồm những hoạt động đào tạo, tư vấn và cố vấn do các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và tài chính đầu tư hướng dẫn. Qua đó thúc đẩy và rút ngắn quá trình IPO của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn đại chúng và mở rộng quy mô. Chương trình dự kiến hỗ trợ tư vấn cho 5 doanh nghiệp có nhu cầu IPO.
Ông Tước thông tin thêm, trong 2 năm đầu triển khai, Chương trình tăng tốc khởi nghiệp SIHUB – Expara đã đón nhận gần 150 Startup đăng ký tham gia, 36 Startup tốt nghiệp thành công bao gồm những tên tuổi nổi bật như Finhay, Nextfit, Nami, Edu2Review, Credify, Remit.vn… Ông Rafael (người sáng lập Vulcans – Startup tạo ra mô đun tay, chân giả cho người khuyết tật) khẳng định, chương trình đã giúp Vulcans tiếp cận những đối tượng khách hàng lớn, phát triển doanh nghiệp bền vững. Trong khi đó, đại diện Momby (Startup thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sức khỏe mẹ bầu) cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của Startup là kết nối với các nhà đầu tư. Thông qua Chương trình tăng tốc SIHUB – Expara, Startup được kết nối với mạng lưới nhà đầu tư toàn cầu, tỷ lệ tăng tốc và gọi vốn thành công sau chương trình trên 50%…
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)