Bộ GD-ĐT công nhận TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tính đến tháng 12–2023.
Kết quả được công nhận tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT về công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ TP.HCM với UBND TP sáng 13-9.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ GD-ĐT về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của TP.HCM tại thời điểm tháng 12-2023, đối với bậc tiểu học, thành phố huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (94.711 trẻ); 98,41% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (116,417/118,294); 1,877/118,294 trẻ đang học tiểu học, tỷ lệ 1,59%; Trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 393,155/395,389, đạt 99,43%, đang học tiểu học là 2,234/395,389, tỷ lệ 0,57%; Trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 1,837, đạt 100%.
Đối với phổ cập giáo dục THCS, năm học 2023-2024, TP.HCM đạt 99,97% học sinh hoàn thành Chương trình tiểu học vào lớp 6 (117,896/117,937); 99,84% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, giáo dục thường xuyên (89,997/90,144).
Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 98,37% (337,272/342,847); Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tuổi đang học chương trình GDPT hoặc giáo dục thường xuyên đạt số lượng 331,421/342,847, tỷ lệ 96.67%; Tổng số thanh thiếu niên khuyết tật từ 11-18 tuổi được tiếp cận giáo dục là 1,498, đạt 100%.
Đối với công tác xóa mù chữ, TP.HCM đạt 99,68% tổng số người từ 15-60 tuổi biết chữ. Ở từng quận, huyện, toàn thành phố có 22/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 100%.
Toàn thành phố có 312/312 phường/xã/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ 100%.
Về điện kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT đánh giá, các trường học trên địa bàn TP.HCM có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Trong đó, bậc tiểu học có 540 trường, 16.336 lớp. Tổng số phòng học kiên cố là 15,612 (tỷ lệ 95.57%), bán kiên cố 166 phòng, phòng tạm 51 phòng, thuê mượn 63 phòng; tổng số phòng thư viện là 592; số phòng thiết bị là 506 phòng; về công trình vệ sinh có 2.408 công trình vệ sinh cho giáo viên và 5.672 công trình vệ sinh cho học sinh cùng 2.227 sân chơi, 342 bãi tập cho học sinh.
Ở bậc THCS, thành phố có 428 trường với 11.488 lớp. Tổng số phòng học kiên cố là 10.499/11.488 (tỷ lệ 91,39%), bán kiên cố 63 phòng, phòng tạm 76 phòng; Số phòng thí nghiệm là 949 phòng; 1.487 công trình vệ sinh giáo viên; 5.210 công trình vệ sinh học sinh; 477 sân chơi và 303 bãi tập cho học sinh…
Đến nay, 100% giáo viên tiểu học TP.HCM đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 (23.391 giáo viên), trên chuẩn là 99,38%, đạt yêu cầu là 99,85%; Tỷ lệ này ở bậc THCS là 99,98% (19.988/19.992 giáo viên), trên chuẩn là 95,96%, đạt yêu cầu là 99,81%.
“Với các kết quả trên, TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2” – Bộ GD-ĐT khẳng định.
Nỗ lực rất lớn của TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT- Trưởng đoàn đoàn kiểm tra chúc mừng kết quả đạt chuẩn mức độ 3 phổ cập và mức độ 2 xóa mù chữ của TP.HCM.
Theo ông, kết quả cho thấy sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của thành phố, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Bởi chỉ riêng điều kiện về mạng lưới cơ sở vật chất cũng là câu chuyện rất khó của TP.HCM do biến động gia tăng không ngừng về dân số…
TP.HCM đã xây dựng mạng lưới trường, lớp rộng khắp tạo điều kiện cho học sinh được học tập thường xuyên, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được ưu tiên đầu tư, bảo đảm những yêu cầu cần thiết nhất để tổ chức dạy học.
Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cấp học tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ của năm học; phối hợp có hiệu quả các cuộc vận động trong nhà trường; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm học sinh yếu; có nhiều giải pháp tích cực duy trì sĩ số; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, ngành GD-ĐT TP đã có nhiều giải pháp thực hiện “không để học sinh bỏ học”…
Để đảm bảo tính bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và định hướng phân luồng học sinh sau THPT; Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với phát triển kinh tế, xã hội.
Tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ quản lý, giáo viên; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lí về cơ cấu, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục phát huy và làm tốt hơn công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018…
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp phải thường xuyên tái kiểm tra; Nắm chắc số liệu, địa bàn và đối tượng để đầu tư đúng trọng điểm; Phân tích số liệu rõ ràng để đánh giá đúng lý do ở các khoảng “đứt, gãy”, tìm nguyên nhân giải quyết…
Yến Hoa
Bình luận (0)