Trẻ em sống ở thành phố bây giờ không chỉ gặp áp lực vì học ngày học đêm và học thêm ngoài giờ, mà chúng còn gặp quá nhiều vướng mắc tâm lý khi bước vào tuổi dậy thì, bế tắc trong các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Do thiếu kinh nghiệm sống, hạn chế về ngôn ngữ diễn đạt, kỹ năng kiểm soát cảm xúc chưa tốt… trẻ rất dễ rơi vào trạng thái xung đột trong chính bản thân và xung đột với người khác. Các em càng dễ bức xúc khi không biết chia sẻ cùng ai nên không ít trẻ cảm thấy cuộc đời không có gì đẹp đẽ, đáng sống!
Cha mẹ ơi! Làm ơn đừng “ôn nghèo kể khổ” với con
Có không ít bậc cha mẹ có cách suy nghĩ rằng để con cái thấu hiểu được hoàn cảnh khốn khó ngày xưa của cha mẹ thì chúng sẽ đồng cảm và thuận lợi hơn trong giáo dục. Vì thế, phụ huynh thay phiên nhau tranh thủ bất cứ lúc nào gần con, tỉ tê những gì mình trải nghiệm về cuộc sống nghèo khó trong quá khứ. Ít người nhận ra rằng điều này khiến trẻ con không những không thiện cảm mà chúng còn dần cách xa bố mẹ.
Vì đâu nên nỗi? Suy cho cùng khi ông bố bà mẹ đang ở thành phố mà suốt ngày ra rả câu chuyện ngày xưa bố phải chăn trâu, cắt cỏ, lượm lúa, mót khoai để vượt qua những ngày khốn khó, mẹ thì thức khuya dậy sớm mới có được bát cơm độn ngô, quanh năm không biết đến miếng ăn ngon… Thì chính họ đã không hiểu được rằng trẻ con nhà mình chẳng có chút biểu tượng nào về những gì mình đã từng trải qua mấy mươi năm về trước. Cho đến khi người bố vừa cất lời là đứa con đã tỏ thái độ “Sao bố lại nói chuyện ngày xưa rồi?”, hoặc “Biết rồi, khổ lắm sao bố cứ nói mãi!” hay “Thế bố tưởng chúng con thời nay sướng lắm à?”. Kết cục là nếu ông bố, bà mẹ không hết sức kiềm chế thì thế nào cũng có trận tranh cãi giữa hai thế hệ, mà người chịu tổn thương nhiều nhất chính là bậc cha mẹ. Điều mà trẻ muốn nghe, đó là “Con có chuyện gì đang băn khoăn phải không, hồi trước bằng tuổi con cha/mẹ cũng như thế và cha/mẹ đã nhờ đến sự chia sẻ của ông/bà? Vậy giờ đây cha/mẹ có thể giúp được gì cho con không?”… Nhưng cuối cùng rất có thể, trẻ không nhờ vả gì đến cha mẹ mà chỉ nói “hãy để cho con được yên” – thì các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, kiên trì. Không trực tiếp giúp con để giải tỏa những nỗi niềm khó nói thì mình đồng hành gián tiếp – cha mẹ còn đi bên đời con cái bằng nhiều cách, có nhiều cách để kết nối với con trẻ chỉ cần người lớn đừng buông tay.
Đi tìm tiếng nói chung – vì chúng con thời nay cũng khổ
Đặt mình vào vị trí của con để nói chuyện – hiểu được các vấn đề của con đang gặp phải – con đang dậy thì nên cơ thể có nhiều chỗ rất khó chịu, bức xúc với những bản năng trỗi dậy trong cơ thể; con là công dân của thời đại 4.0 nhưng chưa được tiếp xúc nhiều với công nghệ; con đang cần bạn bè tâm đầu ý hợp mà chưa kết thân với ai; con không được sống gần ông bà, họ hàng nội ngoại nên con thiếu đi cảm xúc với người thân thương của mình. Nghe con gái lên 10 tuổi tâm sự mà chị Nga (Biên Hòa, Đồng Nai) không giấu được nỗi xúc động: “Ba mẹ có biết, con nhiều lúc còn muốn được về quê sống thoải mái như ba mẹ ngày xưa, không phải đi học thêm nhiều, được ra đồng từ lúc sáng sớm, được lội trên những thửa ruộng mát rượi cả bàn chân, được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, được ngắm nhìn đàn cò trắng lượn bay trên bầu trời quê lộng gió. Chúng con giờ đây chỉ biết học và học, chơi những trò giải trí cũng chỉ là nhân tạo trong những khu vui chơi chật chội, đông đúc, một lần đến là chẳng muốn trở lại. Ở gần nhà thì con chẳng có lấy một người bạn thân để tâm sự, chơi đùa”. Đúng là đời sống tinh thần của các con giờ đây thật là đơn điệu, nghèo nàn đến tẻ nhạt.
Khác nhau về thế hệ, khác luôn về nhận thức, cách ứng xử và cảm nhận cuộc sống, để cha mẹ và con cái có cùng tần số trong giao tiếp là điều không dễ dàng. Trẻ con đang trong quá trình phát triển, chúng chưa đủ chín để kiềm chế cảm xúc, hành vi trước cha mẹ mình. Để trẻ không cảm thấy chơi vơi, chông chênh. Cha mẹ phải hạ mình xuống, nắm tay con, đừng khoản trắng cho nhà trường và xã hội. Trẻ con muốn mình là người lớn nhưng còn thiếu nhiều thứ – nếu cha mẹ buông tay – chúng không biết nương tựa vào đâu. Tuy nhiên, trẻ con vốn nông cạn, chúng dễ thể hiện sự bất cần, chống đối – cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn để nâng đỡ con khi chúng bị cuốn vào vòng cám dỗ.
Tôi chợt nhớ đến câu nói của Albert Einstein: “Trẻ em không phải là một thùng chứa để lấp đầy những gì bạn muốn, mà chúng là một ngọn đuốc cần bạn thắp sáng”. Cha mẹ hãy cùng trẻ thắp sáng những mong muốn để chúng được sống trọn vẹn với những ước mơ của mình. |
Hạ mình xuống trước con – để gần con hơn. Bản thân phải học cách làm cha mẹ, học cách tôn trọng khác biệt của con, học thêm từ chính con mình những điều thuộc về thế giới của con. Trẻ con cũng là một chủ thể biết suy nghĩ và dạt dào cảm xúc – Cha mẹ biết cách hạ mình hôm nay chính là học cách cùng thắng với con trong tương lai.
Đừng can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ bạn bè của con – một bạn nhỏ 12 tuổi con của anh bạn đồng nghiệp tôi đã tuyên bố xanh rờn với cha mẹ mình: “Con chỉ chơi với bạn ấy thôi, bạn ấy làm gì thì con làm theo, ba mẹ đừng có tìm cách chia rẽ chúng con”. Nói là làm, ngoài giờ học ra, hai đứa như hình với bóng nhưng chỉ là đi chơi. Ba mẹ bảo học bài để còn thi vào đại học, cu cậu đã phản ứng: “Bạn con đi học nghề, nên ba mẹ không cần lo, con cũng không vào đại học đâu. Con học làm thợ mà con sống hạnh phúc là được – chẳng phải ba mẹ luôn bảo rằng chỉ muốn con hạnh phúc là gì!”. Thế mà anh bạn tôi đã chấp nhận “xuống nước” hạ mình để đồng hành với con. Giờ thấy anh hồ hởi thường xuyên cùng hai đứa đi câu cá, thăm thú các vùng quê những ngày cuối tuần, tôi cũng thấy vui lây – “Hóa ra giờ tôi có được cả hai đứa con cô ạ! Tụi nhỏ được gần gũi với cha mẹ nên tính khí cũng đằm thắm lại”.
ThS. Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)